Ðà Lạt: Đổi bao bì bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng

Thứ 2, 11/03/2024, 01:24 GMT+7

Đã có gần 9 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng được thu gom trong năm 2022 và khoảng 11 tấn được thu gom trong những tháng đầu năm 2023 thông qua chương trình đổi quà tặng do Hội Nông dân TP Đà Lạt tổ chức.

Nhiều nông dân mang bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng đến điểm thu gom để đổi lấy quà tặng tại một phường của Đà Lạt

Tăng thêm kinh phí mua quà tặng

Với trên 10.690 ha đất canh tác hằng năm, trong đó có 67% diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hàng năm, TP Đà Lạt cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 2,2 tỷ cành hoa, gần 230 nghìn tấn rau các loại. 

Hiện, giá trị thu hoạch bình quân 1 ha đất canh tác nông nghiệp tại Đà Lạt đã đạt 470 triệu đồng/năm. Trong những năm qua, giá trị ngành Nông nghiệp đóng góp khoảng 14% trong cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho hơn 13 nghìn hộ gia đình, giải quyết việc làm cho trên 35 nghìn lao động; nông dân Đà Lạt có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh. 

Tuy nhiên, như Hội Nông dân TP Đà Lạt đánh giá, bên cạnh đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng để lại những hệ lụy không nhỏ cho thành phố. Đó là việc phát triển nhà kính, nhà lưới quá nhanh làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; tình trạng sử dụng phân bón, hóa chất BVTV quá mức cần thiết; rác thải nông nghiệp phát sinh ngày càng nhiều và chưa được thu gom, phân loại, xử lý đúng cách. 

Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 300.000 ha trong toàn tỉnh, lượng hóa chất BVTV sử dụng trung bình hàng năm tại Lâm Đồng hiện nay theo ngành chức năng tỉnh, khoảng 3.717 tấn.

Theo tính toán với số lượng thuốc như trên lượng bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 175 - 200 tấn/năm.

Hiện, tỷ lệ bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng được thu gom xử lý trong tỉnh chưa cao, chỉ chiếm khoảng 18,1%, phần lớn còn lại bị thải bỏ trên ruộng đồng, sông, suối, kênh, mương hoặc được bỏ chung cùng rác thải sinh hoạt.

“Nổi cộm nhất hiện nay là việc thu gom, phân loại, xử lý bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng chưa được thực hiện tốt” - ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết. 

Theo Hội Nông dân thành phố, chủ yếu bà con lâu nay phải tự xử lý bằng cách chôn lấp, đốt, hoặc bỏ chung số bao bì này với rác thải sinh hoạt, vứt bỏ ngoài vườn sản xuất hoặc nơi công cộng và đây chính là một trong những nguồn ô nhiễm độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, đối với TP Đà Lạt, tình trạng vứt bỏ rác bừa bãi vào các con suối và nơi thoát nước công cộng làm mất mỹ quan, tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước các hồ, suối trên địa bàn.

Để thu gom số bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng này, trong năm 2022, Hội Nông dân TP Đà Lạt đã bắt đầu tổ chức chương trình đổi quà tặng trên địa bàn.

Quà tặng là những vật dụng cần thiết cho người dân trong làm vườn như găng tay, bao tay cao su, ủng, áo mưa… Cứ thu gom và mang số bao bì hóa chất BVTT đã qua sử dụng đến, người dân sẽ nhận được phần quà tặng tùy theo số lượng bao bì thu gom được.

Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết, chỉ trong 4 tháng triển khai, từ tháng 9 đến tháng 12/2022, chương trình đã thu hút gần cả nghìn lượt nông dân tham gia, thu về 8.961 kg rác thải nông nghiệp nguy hại. Tổng kinh phí cho chương trình đổi quà tặng này cho năm 2022 là 180 triệu đồng, từ nguồn ngân sách thành phố cấp. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Nông dân TP Đà Lạt đã tiếp tục chương trình này với kinh phí mua quà tặng 180 triệu đồng từ nguồn ngân sách cho năm 2023. Tuy nhiên, gần đây theo ông Công, thành phố đã đồng ý cấp bổ sung thêm 400 triệu đồng cho chương trình đổi quà này, nâng số kinh phí lên 580 triệu đồng cho năm 2023. 

“Kinh phí được nâng lên đã tạo điều kiện rất tốt để Hội triển khai rộng trên tất cả các địa bàn phường, xã trong thành phố” - ông Công cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên toàn địa bàn Đà Lạt thông qua chương trình đã thu gom được khoảng 11 tấn bao bì hóa chất BVTV qua sử dụng. “Thực ra chúng tôi chỉ triển khai có 5 tháng, còn trong tháng Tết thì hầu như không hoạt động gì” - ông Công cho biết. Toàn bộ số bao bì thu gom đều được bàn giao cho đơn vị chức năng của thành phố mang đi xử lý đúng theo quy định.

Nhiều mô hình bảo vệ môi trường 

Điều quan trọng nhất, theo ông Công, thông qua chương trình đổi quà tặng này đã giúp bà con nông dân tạo được thói quen thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp; nhất là đối với bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng. “Sau khi bơm thuốc trong vườn, thay vì vứt bỏ loại rác thải nguy hại này, nhiều bà con đến nay đã nhắc nhở nhau thu gom lại và mang đến đổi lấy những món đồ bảo hộ lao động. Nhiều người hiểu rằng làm như vậy mình vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho bản thân” - ông Công cho biết.

Đặc biệt, chương trình đã lan tỏa đến cả những người không trực tiếp sản xuất, có người còn đi thu lượm vỏ chai lọ hóa chất BVTV vương vãi ở các mương, suối, lòng hồ để đem đến đổi quà từ chương trình.

Cùng với chương trình đổi bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng lấy quà tặng này, Hội Nông dân TP Đà Lạt đến nay còn xây dựng nhiều mô hình nông dân bảo vệ môi trường như Mô hình “Khu vườn xanh - sạch - đẹp - an toàn”; Mô hình “Thu gom, xử lý rác thải rau, hoa làm phân bón hữu cơ”, vận động các hộ nông dân nhận trồng và chăm sóc từ 2 cây xanh trở lên trong khuôn viên đất sản xuất, đất ở của gia đình, góp phần thực hiện kế hoạch trồng cây xanh, cây phân tán hằng năm của thành phố. 

Trong năm nay, ông Công cho biết thêm, các cấp Hội Nông dân TP Đà Lạt sẽ đẩy mạnh Chương trình Đổi bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng lấy quà tặng tại 14 phường, xã trên địa bàn, mỗi tháng tổ chức một lần vào ngày thứ Năm tuần cuối tháng. 

Qua đó, Hội Nông dân kêu gọi hội viên và nông dân trên địa bàn phát huy trách nhiệm với cộng đồng bằng các hành động cụ thể, cam kết không vứt rác bừa bãi ra mương, suối và nơi công cộng “Mỗi nông dân hãy tập cho mình thói quen thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp như là việc đánh răng, rửa mặt hằng ngày” - ông Công nói. 

Hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường có thể tài trợ kinh phí, hiện vật để làm phong phú thêm quà tặng, thu hút đông đảo nông dân tham gia chương trình; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến các phường, xã, hệ thống chính trị, tổ dân phố, thôn cùng phối hợp, hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chương trình này, đồng thời, đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp không thực hiện tốt các biện pháp thu gom, phân loại, xử lý rác theo quy định, nhất là đối với hành vi xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc