UBND tỉnh An Giang đã thống nhất nội dung trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức trồng cây tràm tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến nhằm chống biến đổi khí hậu. Theo đó, tổ chức trồng 5ha cây tràm nội với mật độ 20.000 cây/ha trong tháng 1/2023.
Đây là một trong những hoạt động của Chương trình trồng rừng và phục hồi rừng do Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp với Tập đoàn Panasonic Việt Nam tổ chức.
Theo tính toán của các nhà khoa học, với 5ha tràm trồng, trong 5 năm tới, dự tính lượng CO2 hấp thu khoảng 600 tấn; 10 năm tới sẽ hấp thu 1.200 tấn CO2. Nỗ lực này góp phần điều hòa khí hậu nhằm chống biến đổi khí hậu, thiết thực hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới hàng năm.
Tràm là loài cây phổ biến ở các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trên thế giới, tràm có khoảng 260 giống, tập trung chủ yếu ở Australia với khoảng 200 loài. Ở Việt Nam, chỉ ghi nhận 1 loài duy nhất là Melaleuca cajuputi phân bố tập trung ở khu vực ĐBSCL.
Cây tràm thích nghi với điều kiện phèn, ngập nước. Trong các khu vực đất ngập nước, rừng tràm đóng vai trò chứa nước, hệ thống lọc phèn, bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài chim và thủy sản. Bên cạnh đó, rừng tràm đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ khí Carbon dioxide (CO2) và cung cấp oxygene (O2) cho khí quyển, giúp điều hòa khí quyển, cải thiện điều kiện vi khí hậu góp phần chống biến đổi khí hậu.
Các đơn vị khảo sát khu vực để triển khai trồng tràm
Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có tổng diện tích 256,39ha. Trong đó, diện tích tràm trồng là 7,88ha, tràm tái sinh 74,14ha, trảng cỏ ngập nước theo mùa 169,73ha và bờ kênh là 4,64ha. Đây là một mẫu cảnh quan của vùng Tứ giác Long Xuyên, bên cạnh Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Hệ sinh thái đất ngập nước ở đây đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, thời gian qua, môi trường sinh thái của đầm rừng tràm Tân Tuyến chịu tác động mạnh mẽ của lũ, ảnh hưởng xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn. Việc bảo vệ, tái tạo và sử dụng khôn ngoan tài nguyên đa dạng sinh học và những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn của vùng đất ngập nước này đang được tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm.
Đây là cơ sở để bảo vệ và tái tạo các giá trị, chức năng của hệ sinh thái đất ngập nước trong đầm rừng; cũng là cơ sở để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội của vùng biên giới. Đồng thời, góp phần phát triển du lịch sinh thái ở vùng này, khi mở rộng các tuyến du lịch vùng đồi núi huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường
Xem thêm:
1. Ngày Đất Ngập Nước Thế Giới năm 2023
2. Bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
3.COP27 với các hoạt động thực hiện Công ước chung về biến đổi khí hậu!