Để các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không bị vứt bừa bãi ở các chân ruộng, đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân là vấn đề được ngành chức năng và chính quyền xã quan tâm. Từ đó, mô hình bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được xây dựng đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
Mô hình bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Bản Pè là thôn có diện tích trồng cam quýt lớn nhất của xã Dương Phong. Trước đây, bà con thường có thói quen sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ sâu bệnh cho cam quýt thì vứt vỏ bao ngay trên đồi đợi trời nắng thì gom lẫn với cỏ rồi đốt. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật thì đây là cách sử lý không khoa học, có thể gây ảnh hưởng đến môi trường do lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn trong các vỏ bao bì đã sử dụng. Nhận thức được sự nguy hại đó, ngay khi thôn được đầu tư xây dựng bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng thì hầu như hộ dân nào cũng tự giác thu gom các vỏ bao thuốc vào túi bóng rồi mang đến cho vào bể để xử lý theo quy trình.
Bà Nguyễn Thị Lan - thôn Bản Pè, xã Dương Phong cho biết. “Hiện nay, được sự quan tâm xây dựng bể thu gom tại các thôn mọi người đồng tình hưởng ứng, bà con sau khi sử dụng xong tự thu gom vỏ bao bì bảo vệ thực vật cho vào bể chỗ tập trung rác, bà con cảm thấy an tâm, mưa lũ sạch sẽ an toàn không có bao bì vứt bữa bãi như trước”.
Bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thiết kế xây dựng khá đơn giản, chiều cao tầm 1,2 m, rộng 80 cm x 80 cm, hình phễu hoặc hình chữa nhật, bể gồm có cửa thông khí rộng 20 cm; giàn sắt đựng rác dưới đáy. Chi phí để xây bể khá rẻ, chỉ hơn 1 triệu đồng nên dễ dàng thực hiện được. Đến nay, 10/10 thôn của xã Dương Phong đều xây dựng được bể thu gom vỏ bảo thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Ông Bùi Đăng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Phong cho biết. “ Được sự quan tâm của tỉnh, đầu năm 2020 xã được đầu tư triển khai mô hình xây dựng bể để chứa vỏ thuốc bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay 10/10 đã được xây dựng xong, địa phương có chỉ đạo đến các đoàn thể tuyên truyền cho bà con sau khi dụng xong bỏ vào bể để vận chuyển đi xử lý để đảm bảo môi trường”.
Qua thực hiện mô hình thu gom vỏ bao thuốc BVTV đã giúp người dân thay đổi dần thói quen vứt vỏ bao thuốc sau sử dụng ngay tại bờ ruộng, góc vườn, mà cho vào lò xử lý rác để bộ phận đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường xã sẽ đến thu gom và xử lý theo quy định. Việc xây dựng bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng cũng là một trong những điều kiện cần thiết để xã Dương Phong phấn đấu đạt tiêu chí môi trường, về đích xây dựng Nông thôn mới trong năm nay./.
Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Bạch Thông