Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở Bến Tre!

Thứ 5, 24/03/2022, 13:23 GMT+7

Từ nhiều năm qua, Bến Tre đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, điều tra, đánh giá hiện trạng, sử dụng nguồn nước dưới đất để có biện pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý.

Ông Bùi Minh Tuấn – Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Để tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, ngay từ năm 2010, tỉnh Bến Tre đã thực hiện đề án: “Đánh giá tiềm năng nước dưới đất, phục vụ cho quy hoạch, phát triển và khai thác hợp lý phục vụ cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020”.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bến Tre đã xác định các đặc điểm địa chất thủy văn, các tầng chứa nước, sự phân bố của các tầng chứa nước, tiềm năng, trữ lượng nước dưới đất phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Cùng với đó, giai đoạn năm 2015 -2016, Bến Tre đã thực hiện đề án “Lập bản đồ phân bổ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác khoanh định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất”.  Đến năm 2017, UBND tỉnh Bến Tre cho chủ trương thực hiện dự án “Quy hoạch tài nguyên nước dưới đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Tuy nhiên, đến nay dự án đã dừng triển khai thực hiện để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh theo quy định của Luật quy hoạch.

Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất

Người dân huyện Châu Thành (Bến Tre) sử dụng nguồn nước sạch từ nguồn tài trợ của Bộ TN&MT

Theo ông Bùi Minh Tuấn, do nguồn kinh phí hạn chế, nên việc điều tra, đánh giá về hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa thường xuyên; Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước dưới đất được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050, đến nay Quy hoạch này chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ để khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.

Để bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm, Bến Tre đã xây dựng danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng xả thải, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước, nhất là nước thải từ khu đô thị và khu công nghiệp; quản lý tổng hợp môi trường các nguồn cấp nước ngọt quan trọng trên địa bàn; duy trì, bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng; đảm bảo khả năng tiếp nhận, tự làm sạch các con sông lớn; tập trung xây dựng khu vực xử lý nước thải và rác thải tập trung; hoàn thành và vận hành hệ thống quan trắc dự báo xâm nhập mặn và chất lượng nước tự động, kịp thời thông tin, cảnh báo đến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc