Thực hiện cuộc vận động “Ngày Chủ nhật xanh xây dựng thị xã Hoài Nhơn sáng-xanh-sạch-đẹp, an toàn, văn minh”, từ tháng 7 năm 2019 đến nay, ngoài việc vận động xây dựng thành công các tuyến đường hoa tự quản tại các khu phố, Hội Nông dân phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) đã thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả mô hình tổ thu gom chai lọ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng sản xuất lúa ở địa phương góp phần thay đổi thói quen bảo môi trường sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.
Ảnh: Thành viên các tổ số 1,2,3 đang thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng Long Mỹ.
Một trong các hoạt động nổi bật mà Hội Nông dân (HND) phường Bồng Sơn triển khai thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua đó là mô hình “Tổ thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trước khi bước vào các vụ sản xuất và sau vụ thu hoạch trong năm trên các cánh đồng sản xuất lúa ở địa phương góp phần bảo đảm môi trường an toàn cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Từ nguồn kinh phí xử lý môi trường đồng ruộng của Phòng kinh tế thị xã Hoài Nhơn cùng kinh phí “ngày chủ nhật xanh” của UBND Phường hỗ trợ, HND phường tiến hành thành lập 6 tổ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật với hơn 60 thành viên, chủ yếu là hội viên nông dân. Các tổ thu gom có nhiệm vụ đảm nhận thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên 6 cánh đồng: Long Mỹ; Bàu Rong; Bàu Súng, đồng Lăng, đồng Miễu, Trảng Dâu thuộc các khu phố có sản xuất lúa như Liêm Bình, Phụ Đức, Trung Lương, Thiết Đính Nam và Thiết Đính Bắc khoảng trên 200ha.
Ông Trần Ngọc Sang, Tổ trưởng tổ thu gom số 1 thuộc khu phố Thiết Đính Nam, bày tỏ: “Trước đây, đi trên các cánh đồng sản xuất lúa trên rất dễ dàng nhìn thấy đầy vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, nhiều nhất là ở những nơi có hệ thống kênh mương thủy lợi, mỗi khi phun thuốc trừ sâu, bà con thường tập trung lấy nước để pha thuốc, rồi tiện tay bỏ lại toàn bộ vỏ chai, lọ, bao thuốc BVTV. Thế nhưng hiện nay, sau một thời gian nhận thấy công việc của các tổ thu gom ra quân dọn dẹp bao bì rác thải thuốc BVTV ngay trên các cánh đồng mình sản xuất, bà con đã có ý thức hơn thay vì vứt bỏ tại bờ ruộng, dưới lòng kênh mương, giờ họ đã tự giác thu gom bỏ vào những bi chứa bằng bê tông đặt sẵn trên đồng ruộng nên lượng rác thải loại này không còn tràn lan gây ô nhiễm môi trường sản xuất như trước nữa”.
Ảnh: Thành viên các tổ thu gom 4,5,6 vận chuyển rác thải từ đồng ruộng về nhà chứa tạm thời.
Theo ông Nguyễn Bồng – Chủ tịch HND phường Bồng Sơn chia sẻ, “Từ khi thực hiện mô hình, chúng tôi tăng cường tuyên truyền phổ biến các kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững; về cách sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; đặc biệt là những ảnh hưởng của thuốc BVTV đến môi trường và nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sản xuất… Bên cạnh đó, nhờ hoạt động tích cực của các tổ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật định kỳ trên các cánh đồng sản xuất sau mỗi vụ sản xuất, thu hoạch đã góp phần lớn, tạo thói quen không còn vứt rác thải bừa bãi, nhất là vỏ bao bì sau khi dùng thuốc BVTV của bà con nông dân được thay đổi đáng kể”.
Bà Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng tổ thu gom số 3 thuộc khu phố Trung Lương, phấn khởi cho biết: “Ban đầu, người dân ngại vì phải đi qua nhiều thửa ruộng để bỏ rác thải vào bể chứa nhưng qua tuyên truyền vận động nhắc nhở của chi hội, dần dần bà con cũng đã nhận thức được sự nguy hại của loại rác thải này, nên đã tự giác thu gom bỏ vào bể chứa, giờ không con nhiều hiện tượng vứt bỏ bừa bãi bao bì chai lọ ra môi trường như trước đây”.
Theo thống kê, qua gần 2 năm thành lập đi vào hoạt động, 6 tổ thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân phường Bồng Sơn đã thu gom chuyển về nhà chứa trên 60kg vỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật để ngành chức năng mang đi tiêu hủy theo qui định. Ông Nguyễn Bồng – Chủ tịch HND phường Bồng Sơn, chia sẻ thêm: “Mô hình tổ thu gom rác thải không những góp phần nâng cao nhận thức của bà con trong việc xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định mà còn giúp cho Hội quản lý được dịch hại để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế thấp nhất được nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường và an toàn cho người dân khi sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng”.
Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử UBND Phường Bồng Sơn