Bình Phước: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 24/08/2023, 03:46 GMT+7

Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Phú Riềng đã phát huy vai trò cầu nối trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

“VIỆC NHỎ, VIỆC TO, DÂN LO LÀ XONG HẾT”

Xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hội Nông dân huyện Phú Riềng đã xây dựng kế hoạch gồm những nội dung thực hiện cụ thể gắn với các phong trào thi đua của tổ chức hội và triển khai rộng rãi trong hội viên, nông dân. Các cấp hội nông dân cũng tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia đóng góp tiền đối ứng, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống đèn đường, nhà văn hóa thôn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng các tuyến đường hoa, thu gom rác thải nông nghiệp… 

Thời gian qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Phú Riềng, đóng góp vào quá trình phát triển địa phương. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện thăm mô hình trồng sầu riêng của thành viên Hợp tác xã cây ăn trái Tiến Thịnh, xã Phước Tân

Được tuyên truyền, vận động, gia đình ông Trần Đình Dũng, hội viên nông dân thôn 6, xã Long Tân là một trong những hộ đầu tiên tự giải tỏa mặt bằng, chủ động cắt cây cao su để đơn vị thi công công trình kết nối đường liên huyện cầu Long Tân (huyện Phú Riềng) - Tân Hưng (huyện Hớn Quản). Ông Dũng cho biết: “Công trình được thực hiện, người dân nơi đây rất phấn khởi. Ngay sau khi huyện Phú Riềng tổ chức họp dân, hiểu được mục đích, ý nghĩa nên gia đình tôi rất đồng tình và chủ động cắt gần 500m2 đất trồng cao su, bàn giao mặt bằng để công trình nhanh chóng được triển khai. Khi công trình hoàn thành giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân thuận lợi hơn”.

Bà Bùi Thị Mai Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân cho hay: Phát huy tinh thần “việc nhỏ, việc to, dân lo là xong hết”, bằng cách làm khéo léo, linh hoạt “đối tượng nào, phương pháp ấy”, Hội Nông dân xã đã tập trung phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên, người dân giải phóng mặt bằng để xây dựng, nâng cấp các tuyến đường. Từ năm 2018 đến nay, hội đã vận động 1.535 hội viên hiến đất làm 240km đường giao thông nông thôn và 3.000m2 đất xây dựng nhà văn hóa; phối hợp nạo vét 16km kênh mương nội đồng; sửa chữa 58 cầu, cống; vận động, xây dựng 20 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở…

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG HỘI VIÊN

Trong xây dựng NTM, các cấp hội nông dân còn đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống hội viên, nông dân. Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao; tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; giới thiệu vay vốn, việc làm và đào tạo nghề cho hội viên, nông dân.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện tham quan Hợp tác xã cây ăn trái Bình Tân (xã Bình Tân, huyện Phú Riềng)

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp hội triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn. Hiện thu nhập bình quân của hội viên nông dân trên địa bàn huyện đạt 70,5 triệu đồng/người/năm. 5 năm qua, có 19.171 lượt hộ đăng ký thi đua, qua bình xét có 12.685 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội nông dân các cấp phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân hơn 101 tỷ đồng cho 2.326 hộ vay vốn phát triển kinh tế...

Hội luôn tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa về xây dựng NTM, vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM. Đồng thời xác định hội là cầu nối để kết nối giữa nông dân với các ngành, đơn vị liên quan, liên kết hợp tác bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên... Qua đó, nhằm xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân, tham gia phát triển nông nghiệp và công cuộc xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Ông Trần A Sám ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn tích cực hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi hơn 40 triệu đồng/năm đối với hộ nghèo, khó khăn; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động địa phương. Năm 2022, ông Sám vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và có nhiều đóng góp trong công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn huyện.

Gia đình bà Lê Thị Minh ở thôn Phú Bình, xã Phú Trung cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Với 9 ha điều, cao su, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng vườn cây tăng cao. Thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, gia đình bà Minh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 6 lao động địa phương; giúp đỡ 10 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: Bình Phước Online

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc