Bao bì, vỏ chai thuốc BVTV là chất thải độc hại đối với môi trường. Do vậy mà thời gian qua, một số hộ dân ở xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã thành lập câu lạc bộ (CLB) thu gom, xử lý các loại rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Ông Trương Nhơn, Chủ nhiệm CLB thu gom rác thải thôn Phước Tân, xã Bình Tân cho biết: “Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, các nông hộ thường vứt bừa bãi chai lọ, bao bì đựng phân bón hóa học, thuốc BVTV đã vô tình ảnh hưởng đến môi trường. Đơn cử như những ổ gà, ổ trâu ở giữa đường, rác thải rớt xuống, trâu, bò đi qua uống nước đó cũng bị ảnh hưởng. Rồi bao bì vô tình bay, rơi xuống ao nuôi cá cũng gây ô nhiễm nguồn nước. Từ thực trạng đó, người dân nơi đây đã nhóm họp, thành lập CLB thu gom rác thải nông nghiệp, làm gương cho bà con noi theo”.
CLB thu gom rác thải nông nghiệp thôn Phước Tân thành lập từ tháng 5/2023 với 9 thành viên. Phương châm hoạt động của CLB là không vì tư lợi cá nhân mà vì sức khỏe cộng đồng cũng như cuộc sống tương lai.
Người dân thu gom rác thải là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh minh họa
Bà Lê Thị Huê, thành viên CLB chia sẻ: Công việc thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp không tốn nhiều thời gian, công sức nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Đó là tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện cho chính bản thân, gia đình và xã hội, nhất là thế hệ trẻ sau này. Không chỉ vậy, mỗi lần CLB nhóm họp, mọi người tề tựu, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong cuộc sống. Tham gia CLB chúng tôi cảm thấy rất vui và bổ ích.
Địa bàn thôn Phước Tân khá đông dân cư sinh sống, bên cạnh nhà ở là vườn rẫy với đủ loại cây trồng từ điều, tiêu, cao su đến cây ăn trái. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng thuốc BVTV được sử dụng nhiều.
Ông Nhơn cho biết, trong thuốc BVTV hiện nay nông dân dùng rất nhiều thuốc dạng bột đóng gói mà bao bì đó phải hàng trăm năm mới tiêu hủy. Trong khi bao bì này sau khi sử dụng còn sót lại một lượng thuốc nên rất độc hại. Vỏ chai lọ, bao bì đựng thuốc BVTV độc hại hơn nhiều so với túi ni-lon, bao bì nhựa. Bên cạnh đó, thuốc nước BVTV đựng trong chai nhựa khi thải ra môi trường cũng độc hại không kém.
Chúng tôi cùng các thành viên CLB đi thu gom rác thải nông nghiệp, chỉ một vài khu vườn nhỏ nhưng “chiến lợi phẩm” thu được rất lớn. Rác thải được tập kết, phân loại và cho vào thùng phuy sắt để đốt. Việc làm của các thành viên CLB rất đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, cần được nhân rộng.
Nói về hiệu quả của việc làm ý nghĩa này, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Riềng Dương Bích Vân cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe, đặc biệt hướng tới xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Cũng theo bà Vân, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên hướng tới thành lập một số mô hình, chi hội, tổ hội, trong đó lồng ghép tổ nông dân tham gia thu gom, xử lý các loại rác thải gây độc hại cho môi trường. Đặc biệt, Hội Nông dân huyện phối hợp trung tâm dạy nghề cấp tỉnh cũng như các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các đợt tập huấn nâng cao kỹ thuật, phương thức sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học gây độc hại đến môi trường, ảnh hưởng cuộc sống con người, động vật, sinh vật.
Ngoài mô hình thu gom rác thải nông nghiệp ở xã Bình Tân, huyện Phú Riềng đang được triển khai, nhân rộng, thì việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hy vọng sẽ giúp nông dân thay đổi thói quen sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV. Từ đó góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, thân thiện hơn.
Nguồn: Tạp Chí Môi Trường Và Cuộc Sống