Các nước Đông Nam Á thảo luận về thực thi Nghị định thư Montreal!

Thứ 4, 15/03/2023, 10:19 GMT+7

Sau hơn 30 năm thực hiện Nghị định thư Montreal, các quốc gia đã loại bỏ trên 90% các chất làm suy giảm tầng ô-dôn có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác. Đóng góp vào quá trình này, Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp “Mạng lưới cán bộ văn phòng ô-dôn các quốc gia Đông Nam Á”, do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức. Cuộc họp diễn ra trong 3 ngày từ 13 – 15/3, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Tham dự có ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; ông Shaofeng Hu, Điều phối viên cao cấp khu vực Nghị định thư Montreal, UNEP; bà Liazzat Rabbiosi, Ban Thư ký Ô-dôn; ông Federico San Martini, Ban Thư ký Quỹ đa phương; đại diện Văn phòng ô-dôn đến từ 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Quang cho biết, để bảo vệ tầng ô-dôn, từ năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987 tiếp theo, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra đời trong khuôn khổ Công ước Viên.

Nghị định thư Montreal

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

Nhờ sự chung tay của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có vai trò quan trọng của Ban Thư ký ô-dôn, Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal, Chương trình môi trường Liên hợp quốc mà tầng ô-dôn đang dần được phục hồi. Cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ô-dôn là 1 - 3%. Nghị định thư Montreal đã giúp hạn chế đáng kể tác động của các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - mối đe dọa mang tính toàn cầu hiện nay.

Theo ông Shaofeng Hu, 7 trong số 11 quốc gia Đông Nam Á đã phê chuẩn Bản sửa đổi Kigali, trong khi các quốc gia còn lại đang nỗ lực phê chuẩn. Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển sôi động cả về kinh tế nói chung và lĩnh vực làm lạnh, điều hòa không khí nói riêng. UNEP khuyến khích các quốc gia còn lại khẩn trương phê chuẩn Bản sửa đổi Kigali nhằm đưa ra một cam kết chính trị rõ ràng trong việc thay thế dần các chất gây phá hủy tầng ô dôn và phát thải khí nhà kính.

Nghị định thư Montreal

Ông Shaofeng Hu, Điều phối viên cao cấp khu vực Nghị định thư Montreal, UNEP phát biểu tại hội thảo

Việc có một Chiến lược quản lý các chất HFC phù hợp sẽ giúp các quốc gia vừa tuân thủ nghĩa vụ loại trừ dần các chất HFC vừa duy trì sự phát triển các ngành kinh tế liên quan đến lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí. Tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược cần có sự bao quát toàn diện về các ngành liên quan, cũng như thách thức của từng ngành trong việc giảm dần HFC.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, hiện Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát (bao gồm các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ODS và các chất gây hiệu ứng nhà kính HFC), làm cơ sở để thực hiện lộ trình loại trừ dần các chất HFC từ ngày 1/1/2024. Qua quá trình thu thập, đánh giá dữ liệu bước đầu cho thấy sự gia tăng lượng tiêu thụ nhanh chóng của các chất đặt ra rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng nghĩa vụ tuân thủ của quốc gia.

Do vậy, việc hiểu rõ về các lĩnh vực sử dụng, sự sẵn có của các chất/công nghệ thay thế, cũng như sự sẵn sàng của ngành/lĩnh vực là hết sức quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các biện pháp và chính sách quản lý phù hợp.

Cuộc họp “Mạng lưới cán bộ văn phòng ô-dôn các quốc gia Đông Nam Á” giúp các quốc gia trong khu vực cùng với các chuyên gia trao đổi, thảo luận về thông tin cập nhật liên quan đến Nghị định thư Montreal; các chính sách, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia đối với việc xây dựng kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC; chiến lược tăng cường truyền thông trong khu vực năm 2023; vấn đề lồng ghép giới trong thực thi Nghị định thư Montreal. Một số vấn đề cụ thể như quản lý môi chất lạnh trong lĩnh vực điều hòa di dộng; quản lý về môi trường đối với các chất ODS bị tịch thu và không sử dụng, hoặc đã qua sử dụng.

Tiếp nối hội thảo chuyên môn, dự kiến ngày 15 - 16/3, Hội thảo về phối hợp giữa cán bộ mạng lưới ô-dôn và hải quan các quốc gia Đông Nam Á sẽ diễn ra. Tại đây, đại diện các cơ quan quản lý về ô-dôn và hải quan sẽ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc báo cáo, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

 

Xem thêm:

1. Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy các hoạt động triển khai Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali giai đoạn 2020-2023

2. Hội thảo lần thứ 15 về việc thực hiện Nghị định thư Montreal khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc