Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp giấy phép xử lý. Năm 2021, tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của cả nước đạt 98,9%.
Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải nguy hại tiếp tục được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Trong năm 2021, có 18 địa phương có tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 100%. Bao gồm: Long An, Hưng Yên, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, An Giang, Nam Định, Quảng Nam, Hà Nội.
Các địa phương có tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thấp là Bắc Giang (66,86%), Đắk Nông (51,38%), Lai Châu (37,57%). Các địa phương còn lại có tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt từ 80,53% – 99,94%.
Chất thải nguy hại được thu gom và lưu giữ ở nơi riêng biệt
Trong năm 2021, có 28 địa phương có tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý tăng cao hơn so với năm 2020, trong đó, các địa phương tăng cao nhất là Bến Tre (tăng 47,19%), Đồng Tháp (tăng 22,01%), Cao Bằng (tăng 21,49%); có 15 địa phương có kết quả giữ nguyên như năm 2020. Có 19 địa phương có kết quả giảm so với năm 2020, trong đó giảm nhiều nhất là các tỉnh/thành phố: Lai Châu (giảm 62,43%), Bắc Giang (giảm 22,39%), Hà Giang (giảm 11,3%).
Theo đánh giá, giá trị trung bình về tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT của cả nước đạt 98,9%, cao hơn 1,8% so với giá trị trung bình năm 2020. So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 49 địa phương đạt tỷ lệ cao hơn giá trị trung bình của cả nước.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường