Khái niệm căn bản về chất thải nguy hại (CTNH), hướng dẫn và các mối quan tâm xoay quanh công tác quản lý CTNH tại doanh nghiệp được tổng hợp trong chuỗi bài về “Chất thải nguy hại”. Chuỗi bài hướng đến cung cấp cho doanh nghiệp, nhân viên quản lý môi trường,… nắm đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý và các hướng dẫn căn bản để tổ chức công tác quản lý môi trường tại cơ sở.
Kính mời Quý vị đến với phần 4 - Bùn thải và tro xỉ có phải là chất thải nguy hại không? Hướng dẫn quản lý.
Xem thêm
Phần 1 - Chất thải nguy hại là gì? Mã chất thải nguy hại là gì? Hướng dẫn tra cứu mã CTNH
Mục lục xem nhanh:
Hình 1. Bùn thải, tro xỉ - khi nào được quản lý như chất thải nguy hại?
Đối với bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải, theo quy định tại phụ lục C - ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (CTNH) thì bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải có ngưỡng chất thải là 2 sao (**). Doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom và xử lý bùn thải trên theo đúng quy định về quản lý CTNH;
Riêng đối với bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải có ngưỡng chất thải là 1 sao (*), khi chưa chứng minh được không phải là CTNH (hoặc trong thời gian đợi kết quả phân tích) thì phải được quản lý theo các quy định đối với chất thải nguy hại.
Hình 2. Bùn thải phát sinh tại hệ thống xử lý nước (Nguồn: Môi Trường Á Châu)
Khi Doanh nghiệp muốn quản lý theo quy định của chất thải rắn công nghiệp thông thường thì phải tiến hành lấy mẫu chứng minh không phải là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước QCVN 50:2013/BTNMT.
Hình 3. Bùn thải sẽ được lấy mẫu phân tích để xác định ngưỡng nguy hại (Nguồn: Ảnh minh họa Internet)
Tuy nhiên, do bùn thải phát sinh từ quá trình xử lý nước thải có thành phần, tính chất luôn thay đổi và phụ thuộc vào thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải xử lý. Mỗi lần lấy mẫu bùn thải để phân tích chỉ có thể chứng minh được khối lượng bùn thải phát sinh tại thời điểm đó có phải là chất thải nguy hại hay không, chứ không chứng minh được bùn phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải luôn luôn không phải là chất thải nguy hại.
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thường xuyên lấy mẫu phân tích thành phần nguy hại trong bùn thải. Trường hợp lấy mẫu phân tích nếu chứng minh được lượng bùn đó không phải là chất thải nguy hại thì doanh nghiệp được quản lý như chất thải rắn công nghiệp thông thường và báo cáo về Sở Tài Nguyên và Môi Trường trong các báo cáo định kỳ hàng năm.
Việc lấy mẫu phân tích chứng minh bùn thải không phải là chất thải nguy hại được thực hiện đúng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước QCVN 50:2013/BTNMT, cụ thể:
Khi thực hiện lấy mẫu phân tích bùn thải, đơn vị lấy mẫu phải cử cán bộ có đủ năng lực tiến hành lấy mẫu và lập biên bản lấy mẫu kèm theo, trong đó thể hiện rõ thời gian, vị trí lấy mẫu, tình trạng hoạt động sản xuất...
Các Phiếu kết quả phân tích mẫu bùn thải phải nêu rõ vị trí lấy mẫu của từng mẫu bùn thải.
(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, tro xỉ từ quá trình đốt củi gỗ,…là chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng hoặc ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Hình 4. Tro xỉ phát sinh (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trong quá trình phát sinh chất thải, tro xỉ có thể xuất hiện kim loại nặng và một số chất thải có thể là chất thải nguy hại. Để xác định tro, xỉ lò hơi hay bùn lắng có phải là chất thải nguy hại thì Doanh nghiệp cần thực hiện việc lấy mẫu và phân định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại (QCVN 07:2009/BTNMT).
-----
Sau khi nhận diện, phân định các loại chất thải nguy hại phát sinh tại cơ sở, mời Quý vị tiếp tục theo dõi phần 5 với chủ đề: Quy trình quản lý chất thải nguy hại tại doanh nghiệp.