Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa (Beat plastic polution) là chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2023, nhằm tập trung vào các giải pháp đối với ô nhiễm nhựa. Tại Việt Nam, thời gian qua hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, nhiều mô hình, sáng kiến thiết thực chống rác thải nhựa đã được triển khai.
Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023 là cuộc thi vừa được Ban Quản lý dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung phối hợp với Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế phát động phát động ngày 23/2.
Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam được tài trợ bởi Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thông qua WWF-Nauy, được khởi động từ năm 2021, với mục tiêu đến năm 2024 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường tự nhiên. Cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023” là một trong những hoạt động của dự án, với thông điệp nỗ lực vì đô thị giảm nhựa Huế.
Lễ phát động cuộc thi sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023
Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án cụ thể liên quan đến những giải pháp 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế), qua đó giảm thiểu, xử lý, quản lý tốt hơn vấn đề rác thải nhựa tại TP.Huế; đồng thời nâng cấp, tối ưu hóa giá trị của rác thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa- Huế 2023” dành cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn quốc. Những mô hình sáng kiến dự thi sẽ trải qua 3 vòng đánh giá của Ban Tổ chức, nhằm chọn ra các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa phù hợp với mục tiêu cuộc thi và có khả năng áp dụng được cho địa phương. Dự kiến, vòng chung kết của cuộc thi sẽ được tổ chức tại TP.Huế vào tháng 5/2023, Ban Giám khảo sẽ lựa chọn 4 đến 7 dự án. Tùy theo quy mô dự án để Ban Tổ chức trao mức kinh phí tài trợ để triển khai, tối đa là 500 triệu đồng/dự án.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, cho biết: Huế đang hướng tới trở thành một thành phố thông minh, vì vậy yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong quản lý rác thải sẽ là một chìa khóa quan trọng để xây dựng Huế trở thành Đô thị giảm nhựa. Dự án tin rằng các giải pháp/sáng kiến từ cuộc thi sẽ góp phần vào nỗ lực tăng cường tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa cũng như hoàn thiện hệ thống quản lý dựa vào phân loại rác tại nguồn của thành phố Huế. Chúng tôi kỳ vọng rằng cuộc thi sẽ là bước đệm để các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm mầm, từ các sáng kiến thành giải pháp ứng dụng và cùng chung tay để giảm tối đa lượng rác nhựa thải ra ngoài môi trường.
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cẩm Nam, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp cùng CLB Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) với sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức chương trình tập huấn giới thiệu và hướng dẫn quy trình sản xuất sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa cho các hội viên của mô hình Cửa tiệm hạnh phúc.
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án "Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương" (LSPP) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thuộc chương trình "Dự án các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường". Chương trình được thực hiện bởi GreenHub- Tổ chức Khoa học Công nghệ thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các đối tác.
Các sản phẩm tái chế độc đáo của cửa tiệm được trưng bày tại các sự kiện (Nguồn: Phường Cẩm Nam)
Trong chương trình tập huấn, GreenHub đã định hướng cho các chị em phụ nữ thuộc nhóm yếu thế, đang tham gia mô hình Cửa tiệm Hạnh phúc tại phường Cẩm Nam cách thức phát triển các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa.
Cùng với đó đã hỗ trợ mời chuyên gia tập huấn đến hướng dẫn trực tiếp cho các chị em phụ nữ để nắm bắt quá trình tạo ra sản phẩm khuyên tai tái chế từ túi nilon và các sản phẩm nhựa bị bỏ đi.
Mục đích của chương trình tập huấn là hướng đến nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn làm sản phẩm thủ công tái chế cho thành viên mô hình Cửa tiệm hạnh phúc. Tăng tính sáng tạo, thẩm mỹ, ứng dụng đối với sản phẩm của mô hình nhằm mang lại nguồn sinh kế ổn định cho nhóm yếu thế tại phường Cẩm Nam. Hướng dẫn các phương pháp tổ chức cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đẩy mạnh hoàn thiện mô hình trong thời gian tới.
Mô hình cũng hướng tới tạo điều kiện cải thiện sinh kế cho các chị em thuộc nhóm yếu thế của phường Cẩm Nam. Các sản phẩm của Cửa tiệm hạnh phúc có nguồn nguyên liệu chủ yếu đến từ vải thừa, banner truyền thông từ nhựa.
Được triển khai từ tháng 9/2022, đến nay, sau 5 tháng hoạt động, mô hình đã tái chế được 550 kg vải thừa, 200 kg banner nhựa, tạo thêm thu nhập cho 10 thành viên trong nhóm sản xuất. Trong năm 2023, Dự án LSPP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội LHPN phường Cẩm Nam và S.E.A Club trong việc định hướng và phát triển mô hình kinh doanh tái chế Cửa tiệm hạnh phúc.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường
Xem thêm:
1. Đẩy mạnh mô hình giảm rác thải nhựa!
2. Công nghệ mới giúp biến đổi rác thải nhựa polyethylene thành nhựa tiêu dùng!