Thay vì vứt bỏ, rác thải nhựa hoàn toàn có thể trở thành tài nguyên quý giá nếu được phân loại, thu gom và xử lý, tái chế đúng cách. Và để làm được điều đó, ngoài việc hoàn thiện chính sách, cần có sự chung tay của của các cấp, ngành, địa phương và người dân.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới luật đã có những quy định trên cơ sở coi chất thải là tài nguyên. Đồng thời, lần đầu tiên nguyên tắc phân loại đối với chất thải rắn sinh hoạt đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường; địa phương trong việc ban hành quy định việc quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 73 quy định: Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định.
Những hạt nhựa tái sinh được tái chế nhiều lần từ nhựa nguyên sinh hoặc chính đó đang được sử dụng ngày càng phổ biến
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT năm 2023 về hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.
Theo đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất vào ngày 31/12/2024 nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu. Đồng thời, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định EPR; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, chôn lấp.
Như vậy, với những quy định mới nêu trên, cùng với sự chung tay của các cấp, các ngành, người dân trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong thời gian tới, rác thải nhựa sẽ được phân loại và là nguồn nguyên liệu có giá trị cung cấp cho các doanh nghiệp tái chế, giảm đáng kể lượng rác thải nhựa trong sinh hoạt như hiện nay.
Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là cách tiếp cận mới của chính sách môi trường; trong đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa đó, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. Theo đó:
Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; điện và điện tử; phương tiện giao thông; các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế) thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc.
Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…) có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, "Chung tay biến rác thải nhựa thành tài nguyên" đăng ngày 15/15/2024, xem tại link https://monre.gov.vn/Pages/chung-tay-bien-rac-thai-nhua-thanh-tai-nguyen.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng, truy cập ngày 04/06/2024