Chuyển biến tích cực trong xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật!

Thứ 4, 01/11/2023, 07:00 GMT+7

Trước đây, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là bài toán nan giải gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chức năng và chính quyền các địa phương. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có cách làm hiệu quả xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường.

Trên cánh đồng xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) rộng 720 ha nhưng không thấy xuất hiện vỏ thuốc BVTV. Điều này là kết quả của việc triển khai mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, hiện nay xã đã xây dựng được 2 nhà chứa và 149 bể chứa rác thải. Hàng năm, sau khi kết thúc vụ sản xuất, các đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên tổ chức ra quân thu gom rác thải, đặc biệt là bao bì thuốc BVTV tập kết về các bể chứa để tiến hành xử lý theo quy định. Mỗi thôn tự quản lý các bể chứa. Xã xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV,  góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân.

Chuyển biến tích cực trong xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật!

Anh Hoàng Văn Xanh, thôn 24, xã Kim Phú thu gom bao bì thuốc BVTV bỏ vào bể chứa sau khi vừa sử dụng xong.

Anh Hoàng Văn Xanh, thôn 24, xã Kim Phú vừa phun xong thuốc cho ruộng lúa nhà mình chia sẻ, do thời tiết diễn biến thất thường nên sâu bọ hoành hành, vì thế người dân phải tăng cường phun thuốc trừ sâu để hạn chế phát triển dịch bệnh. Từ khi có bể chứa, bà con đã tự giác thu gom bao bì, bỏ vào bể đã được xây dựng trên cánh đồng. Tuy nhiên, lượng rác thải mỗi năm càng nhiều trong khi các bể chứa còn ít và nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu.

Người dân xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) cũng không ngừng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV. Chị Hoàng Thị Mai, thôn Noong Cuồng cho biết, năm nay gia đình chị trồng hơn 1.000 m2 lạc. Gia đình chị sử dụng vôi thay thế thuốc BVTV nên không ảnh hưởng đến môi trường, giúp cây lạc phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh.  

Phúc Sơn là xã có diện tích lạc lớn nhất huyện Chiêm Hóa với trên 200 ha. Ông Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, xã đã xây dựng hơn 50 hố, bể chứa rác thải thuốc BVTV. Các đoàn thể xã vận động tuyên truyền bà con nâng cao ý thức thu gom rác thải đúng theo quy định. Đồng thời, lựa chọn các giống cây ít sâu bệnh hại để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai đề án bảo vệ môi trường nông thôn, trọng tâm là xử lý chất thải, bao bì thuốc BVTV. Từ năm 2017 đến nay đã có trên 5.400 bể chứa; 41 kho xử lý rác thải được xây dựng, lắp đặt; 23.092 tấn bao bì thuốc BVTV được thu gom, tiêu hủy theo đúng quy định. Đã có 91 xã, phường, tổ chức thu gom làm sạch môi trường.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, nhằm ngăn chặn tác hại của bao bì thuốc BVTV, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân thu gom, xử lý rác thải đúng quy định. Đến nay, các địa phương đã phát động được 23 đợt, 929 lớp tuyên truyền với hơn 42.000 người tham các hoạt động thu gom bao bì thuốc BVTV. Nhờ đó, ý thức của người dân đã được nâng lên. Hầu hết người dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV đúng quy định.

Nguồn: Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Tỉnh Tuyên Quang

 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc