Chuyển đổi xanh - Trách nhiệm của thanh niên đây là chủ đề của Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2023 do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 28/9.
Tham dự Tọa đàm có Chủ tịch Công đoàn Bộ TN&MT Dương Trung Thành; Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài ngyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ; Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang; Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Tống Thị Minh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Bộ TN&MT và 200 đoàn viên thanh niên tiêu biểu của Bộ TN&MT..
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phát biểu
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bí thư Đoàn TNCS HCM Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển năng động, tuy nhiên, cũng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam nhận thức rõ việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu, góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu này được thực hiện chủ yếu thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ. Đây là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Cùng với đó, Việt Nam đã cam kết triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển. Tại Hội nghị COP26 năm 2021 tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã tuyên bố phấn đấu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch; Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Liên minh thích ứng toàn cầu.
Các cam kết mới và mạnh mẽ của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai gần. Các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế đã thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác, đồng hành với Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp để triển khai thực hiện các cam kết.
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, trong công cuộc chuyển đổi xanh, xây dựng một tương lai xanh, bền vững, vai trò của đoàn viên, thanh niên là rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT đã triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực góp phần quan trọng trong công tác quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như chung tay “vì một Việt Nam xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Hãy làm sạch biển”, “Vườn Đoàn”, “Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường”…..
Bà Dương Thị Thanh Xuyến, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu
“Để phát huy vai trò xung kích của thanh niên Bộ TN&MT tham gia vào hành trình chuyển đổi xanh, Đoàn TNCS HCM Bộ TN&MT tổ chức Tọa đàm hôm nay với chủ đề “Chuyển đổi xanh - trách nhiệm của thanh niên”. Đây sẽ là một cơ hội tốt nhằm cung cấp các thông tin khoa học cập nhật để thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ thanh niên trong nỗ lực chung toàn cầu để bảo vệ môi trường” – Bí thư Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự là các chuyên gia, các nhà quản lý đã cùng phân tích, đánh giá vai trò của các bên liên quan, tăng cường sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và thanh niên. Theo đó, các đại biểu cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu là một vấn đề đòi hỏi nỗ lực, tham gia của tất cả các tổ chức Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng, trong đó thanh niên đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi hành động của thanh niên dù là nhỏ nhưng đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực cho sự tham gia của toàn xã hội.
Tham luận tại Tọa đàm với nội dung “Kinh tế tuần hoàn: cơ hội cho tuổi trẻ”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs 2030) thông qua bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, như giảm tỷ lệ về “suy giảm” tài nguyên, gìn giữ cho đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỷ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu. Đây cũng chính là con đường hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nặng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Đối với Việt Nam, trước mắt, việc tập trung giải quyết triệt để chất thải nhựa và túi ni-lon trong thời gian tới sẽ giúp giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường dựa trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, vấn đề phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế. Phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, để triển khai hiệu quả lộ trình thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam thì việc phát huy vai trò và trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tới đoàn viên thanh niên là hết sức ý nghĩa.
Tham luận về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bà Dương Thị Thanh Xuyến, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh rằng, việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, hiện nay việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn còn nhiều trở ngại bởi các mô hình được thực hiện chưa đồng bộ và chưa được nhân rộng.
Vì vậy, theo bà Dương Thị Thanh Xuyến để phân loại rác tại nguồn sớm trở thành lối sống xanh, bền vững đòi hỏi sự triển khai quyết liệt, đồng bộ, trong đó việc thay đổi tư duy và nhận thức là điều kiện tiên quyết. Theo đó, mỗi đoàn viên, thanh niên Bộ TN&MT phải gương mẫu đi đầu trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, gương mẫu thực hiện việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, các cấp đoàn sẽ phải tập trung triển khai các đội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện chống rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, giúp người dân xây dựng các thói quen hạn chế và dần dẫn đến không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cùng với đó, các tổ chức Đoàn cần tạo môi trường, phát huy tinh thần sáng tạo của thanh niên để nghiên cứu các sản phẩm thay thế nhựa, thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa nhằm hạn chế việc sử dụng rác thải nhựa và giảm thiểu việc thải nhựa ra môi trường. Đặc biệt với sức trẻ, sự sáng tạo, lòng nhiệt tình, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, đoàn viên, thanh niên sẽ luôn là lực lượng xung kích giữ gìn, bảo vệ môi trường và luôn là những hạt nhân kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa.
Ban Tổ chức trao giải cho đoàn viên xuất sắc trong cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ môi trường
Để tăng cường mạnh mẽ các đóng góp của thanh niên trong việc chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, Bí thư Đoàn thanh niên Cục Biến đổi khí hậu Trần Đỗ Bảo Trung đề xuất, thanh niên cần tham gia với vai trò là người dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, sự tham gia của thanh niên Bộ TN&MT được xem là yếu tố then chốt để triển khai thành công cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cùng với đó, thanh niên của Bộ TN&MT tích cực tham gia đề xuất những ý tưởng mới, sáng kiến đột phá để góp phần vào công tác bảo vệ môi trường. Việc tăng cường sự tham gia của các thế hệ trẻ vào quá trình quyết định là rất quan trọng bởi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bây giờ sẽ có tác động chủ yếu đến cuộc sống của thanh niên.
Hơn nữa, thanh niên Bộ TN&MT có thể tận dụng các nguồn tài chính mới nổi tập trung cho hoạt động bảo vệ môi trường thông qua Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT tạo cơ hội cho thanh niên thể hiện khả năng sáng tạo, đột phá.
Nguồn: tnmt.tuyenquang.gov.vn