Các chuyên gia kỳ vọng, đây sẽ là một giải pháp có tính đột phá cho ngành xây dựng, vừa giúp cắt giảm chi phí nguyên vật liệu, đồng thời giảm lượng phát thải từ công nghiệp xi măng - một trong những ngành phát thải CO2 hàng đầu thế giới hiện nay.
Bài toán trên đã được 2 startup tại Mỹ và Canada giải quyết với một phương thức được đánh giá có nhiều tiềm năng, đó là trữ khí thải CO2 trong bê tông xây dựng. Đang trong quá trình thử nghiệm, chiếc máy có tên Distributor làm một nhiệm vụ khá đặc biệt đó là hút khí thải CO2 từ trong khí quyển. Đây là sản phẩm của một startup công nghệ tại San Francisco, bang California của Mỹ.
Anh Shashank Samala, Giám đốc công ty Heirloom Carbon Technologies cho biết, công nghệ của chúng tôi sử dụng đá vôi để hút CO2 từ không khí. Chúng là loại khoáng vật phổ biến và có khả năng hấp thụ CO2 tự nhiên nhưng rất chậm. Hệ thống này nghiền nhỏ, nung nóng đá vôi và xếp chúng vào các khay thẳng đứng tiếp xúc với không khí, nhờ đó đẩy quá trình hấp thụ nhanh gấp nhiều lần.
Sau khi đã hấp thụ một lượng lớn CO2, số đá vôi tiếp tục được nung nóng trở lại để giải phóng CO2 vào các bình chứa trước khi tái sử dụng. Quá trình thử nghiệm đã thu thập được khoảng 30kg CO2 từ không khí trong thời gian ngắn - bằng lượng khí thải của một chiếc ô tô xăng đi 120 km.
Khâu tiếp theo của quá trình trên được đảm nhận bởi một startup tại Canada mang tên Carbon Cure, đó là đưa lượng CO2 thu thập được vào quá trình sản xuất bê tông công nghệ cao và tích trữ chúng trong các sản phẩm bê tông.
Ông Rob Niven, Giám đốc công ty CarbonCure nói, chúng tôi sử dụng CO2 phản ứng với các thành phần trong bê tông để tạo ra loại vật liệu nano bền vững. Không chỉ lưu trữ lâu dài khí thải CO2 dưới dạng rắn, mà chúng cũng giúp tăng cứng và bền chắc của bê tông, các nhà sản xuất sẽ cần ít xi măng hơn và giảm được chi phí.
Bài toán khó là mức giá cho công nghệ này hiện lên tới gần 1.000 USD/tấn CO2, gấp 10 lần mức định giá kỳ vọng của thị trường. Các startup cho biết họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tăng cường hiệu suất hiện nay, giúp tạo ra các hệ thống hấp thụ CO2 ở quy mô lớn hơn và giảm giá thành.
Các chuyên gia kỳ vọng, đây sẽ là một giải pháp có tính đột phá cho ngành xây dựng, vừa giúp cắt giảm chi phí nguyên vật liệu, đồng thời giảm lượng phát thải từ công nghiệp xi măng - một trong những ngành phát thải CO2 hàng đầu Thế giới hiện nay.
Nguồn: Ximang.Vn