Thực hiện Đề án số 24/ĐA-UBND của tỉnh Ninh Bình về kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, nhất là các địa phương đã đầu tư nguồn lực, với nhiều cách làm hay để xử lý rác thải bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.
Tập kết rác thải để thu gom, xử lý tại Trung tâm vệ sinh môi trường đô thị Yên Mô.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại khu vực nông thôn trên địa bàn lên đến 328 tấn/ngày, chiếm khoảng 67% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh; rác thải hữu cơ chiếm 70-75%, rác vô cơ chiếm 25-30%.
Nhận thức được nguy cơ ô nhiễm môi trường nông thôn tăng lên, tỉnh Ninh Bình đã huy động các nguồn lực để thực hiện hóa Đề án số 24/ĐA-UBND với nhiều mô hình hay, sáng tạo. Điển hình như mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở một số hộ gia đình của 3 xã Ninh Hòa, Ninh Hải và Ninh Mỹ. Chất thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng để ủ phân, chất thải khó phân hủy được giao cho đơn vị thu gom rác thải vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó để xử lý. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tốt, giảm 70% lượng rác phải thu gom và xử lý. Với hiệu quả của mô hình đem lại, hiện một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu triển khai và nhân ra diện rộng.
Hay như sự chuyển mình đầy rõ nét tại xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), địa phương đầu tiên được công nhận xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Ninh Bình. Đến hiện tại, không chỉ ở cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, kinh tế phát triển, thu nhập người dân nâng cao mà còn ở cảnh quan môi trường phong quang, sạch đẹp. Có được kết quả đó là nhờ Khánh Nhạc đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường, nhất là công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Các biện pháp thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian qua của các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mang lại thay đổi tích cực đối với diện mạo môi trường nông thôn, nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng có những chuyển biến rõ rệt, mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tốt, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn 153 thôn, xóm là các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đủ điều kiện để thành lập được các tổ thu gom rác thải, các hộ gia đình thực hiện tự thu gom và xử lý tại khuôn viên của hộ gia đình. Vì vậy, để tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công tác thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, thời gian tới, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trên địa bàn Ninh Bình cần dành nguồn lực và đổi mới công nghệ để công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt có hiệu quả hơn.
Nguồn: http://nongthonmoi.gov.vn