Ngày 2/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong hai năm thực hiện chương trình phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025, tổng hợp những những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị.
Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những vật tư quan trọng, góp phần bảo vệ và nâng cao năng suất cây trồng, quyết định giá trị và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc làm dụng có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là một trong những giải pháp bền vững và chủ động trong công tác bảo vệ thực vật.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích như ít để lại dư lượng trong nông sản; ít độc hại, an toàn với con người, môi trường và hệ sinh thái; nhanh chóng phân hủy trong tự nhiên; thời gian cách ly ngắn…
Trong hơn hai năm thực hiện chương trình, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tốt. Bước đầu, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Hiện nay, nước ta có 810 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học với 257 hoạt chất, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật sinh học là các vi sinh vật (chiếm khoảng 13%); thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thảo mộc (chiếm khoảng 24%); thuốc bảo vệ thực vật sinh học thuộc nhóm hóa sinh (chiếm khoảng 63%). Các loại thuốc này phòng trừ hầu hết các sinh vật gây hại trên các cây trồng khác nhau. Trong 99 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có 85 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Trong ba năm gần đây (từ 2020-2022), tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước duy trì ổn định và tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.
Để đẩy mạnh chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học”, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với 14 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam ký cam kết phối hợp thực hiện “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”.
Tính đến hết tháng 6/2023, chương trình đã tập huấn cho 11.649 lớp học với 458.105 nông dân tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cùng với đó, tổ chức 335 lớp tập huấn cho 15.851 đại lý trên cả nước. Trong tổng số 14 công ty thuốc bảo vệ thực vật tham gia chương trình có sáu công ty cam kết phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, tăng công suất sản xuất thuốc sinh học, phấn đấu tăng trung bình hàng năm khoảng 20-25%.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện nay còn một số hạn chế. Hội nghị cho rằng, ngành nông nghiệp chưa có các chính sách cụ thể để khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài (bản quyền, nguyên liệu, công nghệ) dẫn đến thị trường không ổn định.
Phần lớn các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có mặt trên thị trường Việt Nam đều được nhập từ nước ngoài. Thủ tục đăng ký sản xuất, thử nghiệm thuốc còn rườm rà. Hệ thống trang thiết bị, phòng thử nghiệm nghiên cứu, kiểm tra chất lượng về thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Toàn cảnh hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, để thúc đẩy sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cơ quan chức năng cần rà soát đơn giản các thủ tục đăng ký. Bổ sung một số chính sách hỗ trợ khuyến khích và ưu đãi các các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, như: hỗ trợ các thủ tục để tiếp nhận công nghệ, vay vốn, thuê đất làm nhà xưởng, các ưu đãi về thuế, phí để phát triển sản phẩm.
Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư theo hướng phát triển và khai thác những lợi thế từ các nguồn trong nước; đồng thời, bổ sung, ưu tiên các chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học…
Mục tiêu của ngành nông nghiệp đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký đạt 30%, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng lên 20%, tăng mô hình, diện tích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 3-5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học so hiện nay.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại các địa phương.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước; tiếp tục hoàn thiện phương pháp thử kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật sinh học; nghiên cứu bài bản, thực chất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người dân chứ không dừng ở việc thử nghiệm; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam...
Nguồn: Báo Nhân Dân