Để đảm bảo chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế nhằm khai thác tối đa giá trị tài nguyên của CTRSH... theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Trong đó, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sẽ được phân loại tại nguồn thành 05 nhóm
Nhóm 1: Gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa và kim loại thải; cao su như đồ chơi; săm, lốp, vật dụng bằng cao su các loại
Nhóm 2: Gồm chất thải thực phẩm như thức ăn thừa, hư; vỏ trái cây, rau củ; bã trả, hoa lá, xác động vật và các loại khác có tính chất, thành phần tương tự
Nhóm 3: Gồm chất thải cồng kềnh như vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế, gốc cây, thân cây,... và vật dụng khác tương tự
Nhóm 4: Gồm chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sinh hoạt như pin, acquy, bóng đèn huỳnh quang..., các loại thiết bị điện tử gia dụng không còn giá trị sử dụng
Nhóm 5: Gồm chất thải rắn sinh hoạt khác phát sinh trong hoạt động sinh hoạt mà hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không xác định được là thuộc 4 nhóm theo quy định trên
Quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2024. Trong đó, Sở TN&MT Đồng Nai được giao làm đầu mối giúp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện Quy định này; tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn; đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Sở Tài chính và các Sở ngành liên quan xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bản tỉnh; trình UBND tỉnh Đồng Nai quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chỉ trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, kể cả chi phí bao bì đựng CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng các điểm thu hồi chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, Sở TN&MT Đồng Nai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn tỉnh; cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý CTRSH vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường của tỉnh Đồng Nai; đồng thời, Sở TN&MT giám sát việc đóng bãi chôn lấp CTRSH sau khi kết thúc hoạt động; chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn việc phục hồi, tái sử dụng diện tích, chuyển đổi mục đích sử dụng và quan trắc môi trường của các khu xử lý CTRSH sau khi kết thúc hoạt động; tổ chức triển khai hoặc lồng ghép hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý CTRSH; các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy theo thẩm quyền.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường