Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng hiện đang được toàn thế giới công nhận là một trong những giải pháp bền vững để xử lý chất thải không thể tái chế.
Theo các nhà khoa học, thế giới đang tạo ra khoảng 52,3 tỷ tấn chất thải/năm, có ít nhất 32,5% con số này không được xử lý an toàn. Nếu không có biện pháp giảm xả thải thì đến năm 2050, tổng lượng chất thải phát sinh trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 70 - 75% so với hiện nay.
Chất thải đồng xử lý trong lò nung xi măng
Tại Việt Nam, theo Báo cáo đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp nguy hại của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng chất thải ở Việt Nam ngày càng tăng với khối lượng phát sinh gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm. Hoạt động quản lý chất thải của Việt Nam đòi hỏi nhiều lao động và không hiệu quả, phí thu không đủ để chi trả cho chi phí vận hành thu gom và xử lý.
Sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang được xem là giải pháp mũi nhọn, bền vững. Trong đó, phương pháp đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều ưu thế.
Đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.
Ưu điểm của phương pháp này là tận dụng được các lò đốt ở nhiệt độ cao, cho phép đốt được hầu hết các chất thải khác nhau, xử lý được khối lượng lớn do công suất của nhà máy xi măng cao (300-400 tấn chất thải các loại/ngày), không đòi hỏi cao về việc phân loại thành phần rác, không phát sinh chất thải thứ cấp vì tro xỉ (chất không cháy được) trong quá trình thiêu đốt được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, chi phí xử lý hợp lý,… Trên tháp quản lý chất thải, đồng xử lý được đánh giá cao hơn so với các biện pháp chôn lấp hay thiêu đốt, hóa lý, chỉ sau ngăn chặn, tái sử dụng và tái chế.
Hiện Việt Nam có 84 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất là 101 triệu tấn xi măng/năm. Việc đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng là xu thế tất yếu và bức thiết nhằm góp phần xử lý chất thải đô thị và chất thải của các ngành công nghiệp, giảm phát thải CO2, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, cải thiện môi trường sống và rất nhiều lợi ích khác chưa đo đếm.
Hiện nay, có một số doanh nghiệp xi măng đã thử nghiệm và bước đầu sản xuất thành công sản phẩm xi măng có nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào là chất thải của ngành nông nghiệp (vỏ hạt điều, vỏ dừa, vỏ trấu), chất thải của ngành công nghiệp dệt may, da giày (da giày vụn, vải vụn) hay sử dụng bùn thải của các nhà máy xử lý nước thải thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất clinker… như Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Xi măng Vicem Bút Sơn, Xi măng Vicem Hà Tiên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất có sử dụng chất thải.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nút thắt trong đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng chính là thiếu một cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch trong quản lý và xử lý chất thải. Hay nói cách khác, chúng ta đang thiếu “bàn tay của Nhà nước” tham gia điều tiết vấn đề xử lý chất thải.
Có một thực tế là trong khi các nhà máy xi măng mong muốn áp dụng dây chuyền đồng xử lý trong sản xuất xi măng, clinker…thì Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương lại đang rất lúng túng trong việc xử lý chất thải của các khu đô thị, khu công nghiệp, với nhiều vấn đề nan giải liên quan đến quản lý chất thải, công nghệ xử lý chất thải,…
Còn đối với chất thải khác, dù doanh nghiệp đã quan tâm, nghiên cứu và có những bước chuẩn bị dài hơi cho chiến lược kinh doanh sắp tới, mong muốn áp dụng dây chuyền đồng xử lý trong sản xuất xi măng nhưng còn nhiều băn khoăn về bài toán hiệu quả đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, không quá khó để lựa chọn đầu tư dây chuyền đồng xử lý chất thải trong quá trình sản xuất xi măng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của những tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới đang có mặt tại Việt Nam cũng như chính sách thuế, phí của Nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ và cam kết của chính quyền các địa phương về vấn đề quy hoạch các dây chuyền đồng xử lý chất thải.
Đồng thời, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, cần có sự bảo đảm về số lượng chất thải ổn định phục vụ sản xuất, chất thải được vận chuyển như một loại hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác, chi phí xử lý/giá thu mua, vận chuyển chất thải phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp.
Nguồn: Nguồn: Theo Môi trường và Đô thị, "Đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng là giải pháp bền vững" đăng ngày 10/08/2020, xem tại link https://www.moitruongvadothi.vn/dong-xu-ly-chat-thai-trong-san-xuat-xi-mang-la-giai-phap-ben-vung-a75653.html, truy cập ngày 03/06/2024.