Thời gian qua, TP Hà Nội đã xây dựng đề án bảo vệ môi trường làng nghề, triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch. Từ đó, đã có những tín hiệu khả quan về môi trường làng nghề.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề bún Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) Phú Đô đã phối hợp cùng Viện Khoa học năng lượng tiến hành nghiên cứu và đưa ra các mô hình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng mô hình tiết kiệm năng lượng, sử dụng máy móc hiện đại đã giảm lượng nước thải ra môi trường.
Hiện nay, HTX đã và đang xử lý nước thải bún bằng bùn hoạt tính dễ thực hiện, hiệu quả cao.
Quy trình xử lý gồm ba bước cơ bản: Nước thải bún được để lắng 18 giờ, sau đó pha loãng theo tỷ lệ 1 nước thải sản xuất/2 nước thải sinh hoạt và bổ sung bùn hoạt tính theo tỷ lệ 5%, tại đây quá trình sục khí được diễn ra trong 21 giờ đồng hồ. Sau đó nước thải được để lắng rồi thải ra ngoài. Kết quả thu được là giá trị COD đã giảm từ 7.800mg/l xuống còn 192 mg/l, hiệu suất đạt 98%.
Cũng tại Hà Nội, ô nhiễm môi trường là vấn đề “đau đầu” đối với làng nghề làm miến Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Trước thực trạng trên, HTX Dương Liễu đầu tư hơn 250 triệu đồng để xây dựng bể lắng lọc dung tích 50 m3. Với công suất chế biến khoảng 200 tấn củ dong/ngày, đã đảm bảo được vấn đề xử lý lượng nước thải phát sinh hằng ngày.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để làng nghề phát triển bền vững, khâu quan trọng nhất là vấn đề xử lý môi trường trong quá trình sản xuất. Ts. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hệ thống làng nghề của Thủ đô rất đa dạng, bởi vậy, chất thải và nguồn xả thải của mỗi một làng nghề có đặc thù riêng.
Tùy theo từng loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế để áp dụng những giải pháp xử lý khác nhau.
Do đó, các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương trên địa bàn Hà Nội có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước thải cho từng làng nghề và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ.
Một số làng nghề nước thải có nhiều hóa chất độc hại, cần phải thu gom nước thải tập trung và có những biện pháp xử lý giống như nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, với các làng nghề có diện tích lớn hoặc tập trung xen kẽ vẫn có thể áp dụng biện pháp xử lý phân tán, sau đó mới đưa vào xử lý chung.
Đặc biệt, phải hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nguyên tắc, ai xả nước thải gây ô nhiễm người đó phải trả tiền. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa ra những phương án, quy trình, biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp không xử lý nước gây ô nhiễm.
Giải pháp "chăm sóc sức khỏe toàn diện" cho hệ thống xử lý nước thải, nước cấp
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT