Giá than tăng hơn 200% trong một năm qua!

Thứ 2, 06/06/2022, 02:39 GMT+7

Giá than đã tăng đến 237% kể từ thời điểm tháng 5/2021. Các chuyên gia dự báo nhu cầu than trên toàn thế giới có thể đạt đỉnh vào năm 2022 trong khi giá bán có thể cán mốc 500 USD⁄tấn.

Theo dữ liệu từ Trading Economic, giá dầu thô Brent thời điểm sáng ngày 31/5 là 122,68 USD/thùng, tăng gần 14% so với tháng trước và tăng 74,52% so với cùng kỳ. Dầu WTI có mức tăng tương đương, lần lượt là 14,1% so với tháng trước và 74,76% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giá khí tự nhiên cũng tăng cực mạnh, lên mức 8,68 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU), tăng đến 179,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá dầu thô, khí đốt tăng mạnh đã gây "náo loạn" thị trường năng lượng trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, mức tăng đó vẫn chưa thể so sánh với loại năng lượng từng bị cả Thế giới "chê" vì bị xem là "bẩn" nhất Thế giới: than đá. Theo dữ liệu của TE, giá than ngày 30/5 ghi nhận ở mức 401 USD/tấn, tăng 33,76% so với tháng trước và 237,26% so với cùng kỳ năm ngoái.

giá than tăng hơn 200%
 

Giá than tăng hơn 200% trong một năm qua.

Giá than có thể vượt mốc 500 USD/tấn trong năm nay

Theo dự đoán của Rystad Energy hồi tháng 3, giá than có thể vượt mốc 500 USD/tấn trong năm 2022, hỗ trợ bởi giá các loại nhiên liệu khác tăng cao, buộc các nước phải chuyển sang sử dụng than.

Ngày 30/5, EU công bố đạt thoả thuận cấm vận một phần dầu của Nga hôm 30/5. Trước đó, các nước EU cũng đã đồng ý loại bỏ dần việc nhập khẩu than của Nga. Nga hiện cung cấp hơn 40% lượng khí đốt sản xuất ra đến châu Âu, gần 25% lượng dầu thô xuất khẩu và gần một nửa lượng than khai thác được.

Tháng 3 cũng là giai đoạn thị trường chứng kiến giá than tăng "dựng đứng" khi Nga tiến hành các chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, khiến thế giới lo lắng về một cuộc khủng hoảng năng lượng trên diện rộng. Giá than đã tăng một mạch từ mức 238 USD/tấn hôm 25/2 và đạt đỉnh 422,6 USD/tấn hôm 7/3. Mặc dù sau đó đã giảm mạnh vào cuối tháng 3, giá than lại tiếp tục "leo thang" kể từ thời điểm đó và hiện dao động ở quanh mức 400 USD/tấn.

Nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2022

Theo IEA, điện than sẽ đạt kỷ lục Thế giới khi kinh tế thế giới hồi phục, đẩy nhu cầu sử dụng than lên cao nhất mọi thời đại vào năm 2022.

Lượng điện tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện đã tăng 9% trong năm nay. Trước đó, điện than đã giảm 4% trong năm 2022 do kinh tế toàn cầu bị đình trệ nhưng IEA nhận thấy nhu cầu điện của năm nay đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của các nguồn cung cấp điện ít phát thải, buộc các nền kinh tế giàu có phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Cơ quan này ước tính nhu cầu than, bao gồm cả ngành xi măng và luyện thép đã tăng 6% trong năm nay.

giá than tăng 200%

Báo cáo của IEA cho thấy Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng sản lượng điện từ than lên 12% trong năm nay, trong khi việc sử dụng than tại các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 9%. Đây là mức cao nhất mọi thời đại ở cả 2 quốc gia này, bất chấp việc triển khai các dự án điện năng lượng mặt trời và điện gió rất ấn tượng, IEA cho biết.

Tại Mỹ và châu Âu, sản lượng điện than dự kiến tăng 20% so với mức thấp của năm 2020, tức là vẫn có thể thấp hơn mức của năm 2019. Việc sử dụng điện than tại các thị trường này dự kiến sẽ sụt giảm trong năm 2023 do nhu cầu điện thấp đi và việc mở rộng các giải pháp năng lượng tái tạo được tiếp diễn.

Sự trở lại của than đá

Khi giá các loại nhiên liệu thay thế tăng cao, nguồn cung gặp khó khăn, chính phủ trên khắp Thế giới lại một lần nữa nhìn vào "nhiên liệu bẩn" khi họ tranh giành để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mình.

Có lẽ đây cũng là lúc người ta cần thừa nhận rằng việc chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ mất nhiều thời gian, có thể là nhiều thập kỷ và các chính phủ cần thực dụng và linh hoạt hơn trong tương lai. Nếu than là một võ sĩ quyền anh, đó sẽ là George Foreman – một võ sĩ quyền anh hạng dưới đã nghỉ hưu, người từng đạt đỉnh cao cách đây nhiều năm đang tìm kiếm sự trở lại.

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã tuyên bố nhân loại cần chuyển sang năng lượng mặt trời, thuỷ điện và gió để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng hiệu quả đến đâu?

Hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Bắt đầu từ năm 2009, EU đã đặt ra mục tiêu loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than để theo đuổi mục tiêu làm chậm tốc độ ấm lên toàn cầu. Nỗ lực này đáng ghi nhận. Các nhà máy than trên khắp châu Âu dừng hoạt động, một nửa biến mất hoặc dự kiến sớm đóng cửa.

Sản xuất điện từ gió, mặt trời đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, những nguồn năng lượng tái tạo này về bản chất vẫn là nguồn cung cấp "không thể kiểm soát được". Khi mặt trời không chiếu sáng, các tấm pin mặt trời không tạo ra năng lượng. Khi gió không thổi, tuabin gió cũng không tạo ra điện.

Trường hợp này đã xảy ra vào năm 2021 – do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sản lượng điện mặt trời và điện gió giảm mạnh ở Mỹ và châu Âu, dẫn đến giá nhiên liệu hoá thạch như than và khí đốt tự nhiên tăng đáng kể.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Grasgow hồi tháng 11/2021, ít nhất 23 quốc gia đã cảm kết loại bỏ dần điện than, bao gồm cả các nước Đông Nam Á và châu Âu. "Tôi nghĩ chúng ta có thể tự tin nói rằng than không còn là vua nữa", Chủ tịch COP26 Alok Sharma nói.

Chỉ 4 tháng sau, bối cảnh năng lượng toàn cầu đã thay đổi đáng kể, không theo hướng mà ông Sharma kỳ vọng. Việc sử dụng than toàn cầu tăng lên mức kỷ lục trong mùa đông năm đó do năng lượng tái tạo không đáp ứng kịp nhu cầu.

Đó còn là trước khi Nga tiến quân vào Ukraine. Cuộc xung đột đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, buộc các nước châu Âu phải tìm cách nhanh chóng cắt giảm dầu khí của Nga, đồng thời xem xét lại các mốc thời gian cam kết cắt giảm sử dụng năng lượng hoá thạch.

Điều này khiến cho than trở nên quan trọng hơn trong mắt những cường quốc. Nó tái khẳng định rằng tất cả nguồn lực – đặc biệt là nguồn lực thiết yếu – phải là những lựa chọn khả thi mà họ có thể kiểm soát được.

Nguồn: Ximang.vn
 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc