Giải pháp xanh từ trùn quế!

Thứ 7, 22/07/2023, 05:23 GMT+7

Ngoài việc giải quyết vấn đề môi trường, quy trình xử lý phân heo bằng trùn quế của anh Lê Minh Vương (Công ty CP Trùn quế Miền Nam) còn tạo ra những sản phẩm “xanh” có nhiều giá trị ứng dụng trong chăn nuôi và trồng trọt, góp phần thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Trong số hàng trăm triệu tấn chất thải chăn nuôi phát sinh hàng năm tại Việt Nam, chăn nuôi heo dường như đang chiếm phần “áp đảo”. Ước tính chất thải lỏng từ chăn nuôi heo chiếm 84%, chất thải rắn chiếm 34%, vượt hơn hẳn so với các vật nuôi khác như bò (chỉ chiếm khoảng 4% chất thải rắn). Dù đã có nhiều giải pháp như hầm biogas, ủ làm phân bón… song với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến hiện nay, việc đa dạng hóa giải pháp xử lý, đảm bảo hiệu quả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế vẫn là điều cần thiết.

Đây là điều mà anh Lê Minh Vương (Công ty CP Trùn quế Miền Nam) đã nghĩ đến khi xây dựng quy trình xử lý phân heo bằng trùn quế. Trùn quế hay giun quế, giun đỏ (Perionyx excavatus) thuộc nhóm trùn ăn phân, ít tồn tại trong tự nhiên và không có khả năng cải tạo đất trực tiếp như một số loài trùn địa phương sống trong đất. Phân trùn quế có hàm lượng dinh dưỡng cao và chứa nhiều loại vi sinh vật có lợi. Đặc biệt, trong phân trùn có axit humic kích thích sự phát triển của cây trồng và IAA (Indol Acetic Acid) - một trong những chất điều tiết sinh trưởng giúp cây trồng phát triển tốt.

Trùn quế

Anh Lê Minh Vương với men bột VL01 và men nước VL02

Do vậy, việc sử dụng trùn quế để xử lý phân heo sẽ mang lại không ít giá trị. “Bên cạnh giải quyết bài toán môi trường, trùn quế còn tạo ra một lượng lớn phân hữu cơ vi sinh có khả năng cải tạo đất, bổ sung dưỡng chất cho cây trồng. Trùn thịt sẽ được dùng làm thức ăn chăn nuôi, hoặc chiết xuất thành dịch trùn quế cung cấp cho các hệ thống thủy canh hoặc trang trại nông nghiệp hữu cơ…”, anh Vương chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân.

Tối ưu hóa quy trình xử lý

Nuôi trùn quế là một ngành phổ biến trong những năm gần đây. Không ít quốc gia trên thế giới như Philippines, Australia… đã ứng dụng trùn quế để xử lý chất thải. Một số nơi ở Việt Nam cũng bắt nhịp với xu hướng này. Chỉ cần cho trùn quế môi trường sống phù hợp, với thức ăn là các loại chất thải chăn nuôi như phân bò, phân heo, bùn thủy sản, phế phụ phẩm nông nghiệp, chúng sẽ sinh trưởng và có thể cho thu hoạch sau khoảng 2 tháng, sản lượng khoảng 2,5-3kg/m2.

Với kinh nghiệm “lăn lê bò lết” trong nhiều năm về trùn quế - kể từ thời sinh viên, anh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về sử dụng bùn thải ao nuôi tôm để nuôi trùn quế và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, việc nuôi trùn quế để cung cấp các sản phẩm trùn thịt, hoặc phân trùn để làm phân bón như cách làm thông thường hiện nay không phải là bài toán quá phức tạp với anh Lê Minh Vương. Vấn đề là làm thế nào để tối ưu hóa quá trình đang có - bao gồm tăng khả năng sinh trưởng của trùn, rút ngắn thời gian nuôi, tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả xử lý chất thải?

Trong trường hợp nuôi trùn quế bằng phân heo, để đạt được mục tiêu này, mấu chốt sẽ nằm ở việc xử lý phân heo trước khi đưa vào trang trại nuôi trùn. “Có nhiều vấn đề chúng ta cần giải quyết về phân heo, chẳng hạn như độ mặn, vì hầu hết heo đều ăn cám công nghiệp nên phân có độ mặn cao, trong khi con trùn quế rất nhạy với điều này. Rồi mùi hôi của phân heo, kích thước của hạt cám còn lại trong phân heo, nếu quá lớn thì con trùn không thể nuốt được. Ngoài ra, hàm lượng vi sinh vật (bao gồm vi sinh vật có lợi và có hại) trong phân heo cũng sẽ ảnh hưởng đến con trùn…”, anh Lê Minh Vương phân tích.

Sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu và tham khảo các loại tài liệu, anh nhận thấy việc ứng dụng vi sinh vật có thể là giải pháp phù hợp cho bài toán này. Thông qua nhiều thử nghiệm thực tế, anh đã lựa chọn một số chủng vi sinh vật bản địa để tạo hai hai dòng men để xử lý phân heo và giúp kích thích trùn quế sinh trưởng trong giai đoạn đầu, gồm men dạng lỏng VL01 và men bột VL02. “Việc bổ sung men VL01 là bước quan trọng nhất trong quy trình xử lý phân heo nuôi trùn quế. Men gốc VL01 là men tự phối trộn các chủng vi sinh vật đặc trưng nhằm kích thích trùn quế sinh khối trong giai đoạn đầu mới thả giống, thích nghi tốt với loại thức ăn mới là phân heo tươi, khác với trước đây trùn quế chỉ ăn phân bò tươi”, anh cho biết. “Nhờ đó, thời gian xử lý và thích nghi của trùn sẽ được rút ngắn, độ mặn và độ pH của phân heo cũng được tối ưu hóa”.

Những cải tiến như vậy đã thể rõ trong quy trình nuôi trùn quế bằng phân heo do anh Lê Minh Vương xây dựng. Ở giai đoạn đầu tiên, phân heo tươi được chuyển về bãi tập kết (có thể sử dụng 100% phân heo tươi hoặc kết hợp chung phân heo ép và phân heo tươi để xử lý làm thức ăn nuôi trùn quế) sẽ được tiền xử lý bằng chế phẩm sinh học bao gồm nấm Trichoderma sp (rải nấm phủ đều trên bề mặt phân heo) để xử lý hàm lượng hữu cơ khó tan, chuyển hóa các hợp chất xenlulozothành dạng dễ hấp thụ (về chất và kích thước) đối với trùn quế. Sau đó bổ sung thêm chế phẩm EM (Effective Microorganisms) gốc đã được hoạt hóa (1 lít EM gốc pha với 100 lít nước sạch, thêm 100 ml rỉ đường mật sục khí lên men để kích hoạt trước khi bổ sung vào hầm tập kết phân heo). Hỗn hợp trên được ủ trong 2-3 ngày rồi phối trộn với men gốc VL01. Sau đó, đưa sinh khối trùn quế vào trại nuôi, mật độ thả giống ban đầu là 40kg sinh khối/m2. Tiếp theo là rải một lớp cám gạo mỏng trên bề mặt để trùn ăn và khỏe lại sau một quãng đường vận chuyển xa, khoảng 1,5 ngày sau sẽ rải men VL02 (0,5 kg/50m2) để nhử trùn lên bề mặt và chuẩn bị cho trùn ăn phân heo đã qua xử lý.

Anh cũng lưu ý, giống trùn sinh khối nuôi để xử lý phân heo tươi là trùn quế Perionyx excavatus và trùn châu phi ANC - Eudrilus eugeniae (với tỉ lệ 40% trùn PE và 60% trùn ANC). Việc kết hợp cả hai loài này sẽ giúp tối ưu quá trình chuyển hóa phân heo thành phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế. Nguyên nhân là trùn ANC có kích thước lớn sẽ nuốt được hạt cám to còn sót lại trong phân heo.

Mở rộng ứng dụng thực tế

So với quy trình xử lý phân heo truyền thống như hầm biogas, quy trình xử lý bằng trùn quế của anh Lê Minh Vương có thể tiết kiệm và rút ngắn thời gian chỉ còn khoảng 2-3 giờ so với 20-30 ngày ủ biogas truyền thống. Các sản phẩm thu được sau quá trình này bao gồm phân trùn quế, trùn quế thịt - có thể đông lạnh hoặc sấy khô làm thức ăn chăn nuôi, hoặc làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất dịch trùn quế. Tất cả những nội dung, từ nuôi trùn cho đến chế biến các sản phẩm trên đều có trong bộ sách kỹ thuật nuôi trùn quế. Các sản phẩm trên đều có giá trị ứng dụng cao, đặc biệt là khả năng cải tạo đất của phân trùn quế - “tôi nghĩ đây là giá trị quan trọng nhất của phân trùn quế, bởi vì phân trùn có rất nhiều vi sinh vật có lợi, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giữ ẩm và cải tạo đất rất tốt”, anh Lê Minh Vương nhận xét.

Mô hình nuôi trùn quế bằng phân heo đã được chuyển giao cho một số nơi, bao gồm chi nhánh của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, một số trại heo ở Đắk Nông, Tây Ninh và Bình Phước. Hai trại heo lớn tại tỉnh Ninh Thuận cũng đã tận dụng bóng mát dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời nơi đây để triển khai mô hình này.

Những phản hồi tích cực về mô hình nuôi trùn quế đã tiếp thêm động lực cho anh Lê Minh Vương trên hành trình này. “Mong muốn của tôi là phát triển nghề nuôi trùn quế ở khắp Việt Nam, bất cứ đâu làm nông nghiệp, có chất thải hữu cơ, có chăn nuôi là có thể nuôi được trùn quế, từ đó mang lại sản phẩm để cải tạo đất, đóng góp cho nông nghiệp sạch ở Việt Nam. Bất cứ ai có nhu cầu có thể liên hệ, chúng tôi sẵn sàng tư vấn và hướng dẫn", anh nói.

Nguồn: Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững - Bộ Công Thương

Bài viết hữu ích?
5/5
(1 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc