Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; thời gian qua, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gò Công Tây đã xây dựng Phương án giao Ban Quản lý Công trình công cộng huyện thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Ban Quản lý Công trình công cộng huyện thu gom rác thải ở các hộ dân sống hai bên trục lộ lớn xe lấy rác có thể đi qua và các điểm tập kết rác của các Tổ thu gom của xã.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Công Tây thực hiện Chương trình tuyên truyền lưu động với chủ đề "Chung tay xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao"
Để đảm bảo thu gom rác ở các khu dân cư, xe lấy rác không thể vào được thì đến nay 100% xã, thị trấn đã xây dựng Phương án thu gom rác thải sinh hoạt, thành lập 66 Tổ thu gom rác để thu gom rác thải trong khu dân cư tại 100% địa bàn các ấp, thực hiện vận chuyển ra các điểm tập kết để Ban Quản lý Công trình công cộng huyện vận chuyển về bãi rác tập trung của huyện xử lý.
UBND huyện và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) huyện xây dựng Kế hoạch liên ngành số 102/KH-UBND-UBMTTQ ngày 07/6/2022 về việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Gò Công Tây giai đoạn 2022 - 2025. Theo Kế hoạch, lượng rác thải thực phẩm sau khi phân loại được người dân ủ thành phân bón hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc; rác thải tái chế được bán cho các vựa thu mua phế liệu, lượng rác thải vô cơ không tái chế còn lại cần thu gom xử lý rất ít. Số hộ tham gia ký hợp đồng thu gom rác toàn huyện là 33.629 hộ/36.520, tỷ lệ trên 92%.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, bãi rác Bình Tân, huyện Gò Công Tây được bổ sung quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện với quy mô 2,7 ha tại ấp Thạnh Lợi, xã Bình Tân. Hiện nay, UBND huyện đang làm các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư Nhà máy xử lý rác theo quy định.
Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, hiện trên địa bàn huyện phát sinh chủ yếu là vải vụn của các công ty may gia công, khoảng 100 tấn/năm. Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện được các cơ sở đã ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom và xử lý theo quy định.
Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công để thu gom, xử lý rác thải y tế phát sinh của Trung tâm Y tế và Trạm Y tế 13 xã, thị trấn. Số lượng rác thải y tế phát sinh trung bình 335kg/tháng. Phần lớn các Trạm Y tế xã đều đã thực hiện đề án bảo vệ môi trường, được xác nhận và hệ thống thu gom xử lý nước thải y tế có công suất 02m3/ngày đêm, 100% các cơ sở y tế đi vào hoạt động đều thực hiện tốt các thủ tục về hồ sơ môi trường và xử lý chất thải y tế.
Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thuộc đối tượng phải lập hồ sơ môi trường, tổ chức tuyên truyền và thông báo lập hồ sơ môi trường theo quy định. Đến nay, trên địa bàn huyện có 671 cơ sở lập hồ sơ môi trường, tỷ lệ 100% (gồm 444 cơ sở sản xuất - kinh doanh, 76 cơ sở chăn nuôi, 151 cơ sở nuôi chim yến).
Các cơ sở sản xuất - kinh doanh có phát sinh nước thải, chất thải rắn, mùi hôi, bụi, tiếng ồn đều đã trang bị hệ thống thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc có giải pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, cơ sở chăn nuôi heo đều có xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải, hiện tại đã có xây dựng 4.000 hầm Biogas, các hộ chăn nuôi gà, dê, bò đều có biện pháp thu gom xử lý chất thải, như: Đóng vào bao bán cho người có nhu cầu sử dụng, ủ hoai mục để sử dụng cho trồng trọt.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thu gom và xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, không vứt bỏ bừa bãi, đến nay, huyện đã xây dựng 493 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, ký hợp đồng với công ty có đủ năng lực để xử lý toàn bộ bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trên địa bàn huyện. Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường kết hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị xử lý chất thải nguy hại tiến hành thu gom 10 đợt với khối lượng trên 51.400 kg, xử lý đúng quy định, tiếp tục đầu từ thêm bể chứa, không để vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát tán trên đồng ruộng, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường", UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê các kênh, rạch có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn quản lý, có kế hoạch nạo vét để cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước; thu gom rác thải trên các tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm, tuyên truyền để người dân không xả chất thải chưa đảm bảo quy chuẩn ra môi trường. Tổ chức rà soát các cơ sở/hộ chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản và có kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định, vận động nhân dân thực hiện xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Phối hợp với các Hội, đoàn thể vận động Nhân dân ra quân tổng vệ sinh môi trường; bảo vệ môi trường xây dựng huyện nông thôn mới; thực hiện ra quân đồng loạt tổng vệ sinh môi trường vào ngày 05/6 và ngày 20/9 hàng năm; phát động người dân thực hiện tổng vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở, các khu vực công cộng, phát hoang bụi rậm, chặt tỉa cành cây che khuất tầm nhìn, phát động trồng 200 cây bằng lăng trên tuyến đường thuộc xã Bình Nhì tạo tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Kết hợp UBMTTQVN huyện ra quân thu gom rác thải nhựa trên các tuyến đường với khối lượng khoảng 3,8 tấn và khơi thông dòng chảy các tuyến kênh với tổng chiều dài khoảng 05 km.
Cảnh quan môi trường huyện Gò Công Tây ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Ngoài ra, để thực hiện tiêu chí số 7 về Môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới, ngày 16/4/2021, UBND huyện phối hợp UBMTTQVN huyện xây dựng Kế hoạch phối hợp số 86/KHPH-UBND-MTTQ về thực hiện mô hình "Chung tay xây dựng môi trường cơ quan, công sở, khu dân cư xanh - sạch - đẹp - an toàn" xây dựng huyện nông thôn mới, theo đó định kỳ vào 15 giờ mỗi buổi chiều thứ Sáu hàng tuần, tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, đóng trên địa bàn huyện ra quân dọn dẹp rác thải xung quanh nơi làm việc. UBND các xã, thị trấn ngoài vệ sinh ở cơ quan, hàng tuần chọn một con đường ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường huyện nông thôn mới.
Nguồn: www.tiengiang.gov.vn
Xem thêm:
2. Nâng cao vai trò của các Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới
3. Phấn đấu xây dựng xã Quảng Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước năm 2026