Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện một số hộ nông dân vẫn tự mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại các cửa hàng kinh doanh ở khu vực sinh sống. Theo bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai), khi mua thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết người dân đều không phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, đều phụ thuộc vào tư vấn của người bán hàng. Gia đình bà trồng 3 sào rau, vụ nào cũng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; khi có nhu cầu, chỉ cần kể triệu chứng sâu bệnh, chủ cửa hàng sẽ tư vấn dùng loại nào.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 2 xưởng sản xuất gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, 139 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 101 doanh nghiệp phân bón, 92 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và gần 1.800 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhiều, trong khi thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ các tỉnh biên giới, giáp ranh với Hà Nội luôn có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát.
Kiểm tra sâu bệnh trên rau ở Thụy Hương huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội
Bên cạnh đó, trình độ, nhận thức người dân còn hạn chế, khó phân biệt thuốc thật - giả mà chỉ sử dụng theo thói quen khi vào giai đoạn chăm sóc cây trồng; số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt xử lý vi phạm trong kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Để siết chặt việc quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn, đại diện UBND huyện Thường Tín cho hay, huyện đã yêu cầu các xã khuyến cáo cho người dân mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, nông dân sau khi mua sắm vật tư nông nghiệp cần giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng, khi phát hiện có dấu hiệu hàng giả, kém chất lượng cần báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thông tin, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống nhân viên, kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức điều tra, nắm bắt tình hình lưu thông và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón đúng cách và xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Nguồn: moitruongvadothi.vn