Hà Nội tập trung triển khai các dự án xử lý chất thải rắn và phân loại tại nguồn

Thứ 6, 21/12/2018, 08:51 GMT+7

Bai_HN1

Rác thải vẫn là một vấn đề nhức nhối và bài toán khó giải đáp đối với Hà Nội hiện nay. Ảnh: Internet

Để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn, TP Hà Nội tập trung chủ động hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và tăng cường công tác phân loại rác thải tại nguồn…

“Nhức nhối” nạn rác thải

Hiện nay, rác thải vẫn là một vấn đề nhức nhối và bài toán khó giải đáp đối với Hà Nội. Theo các con số thống kê, lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Lượng rác thải tại Hà Nội tập trung đủ loại từ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng...

Mặc dù, Thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhưng ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải, một số dòng sông, khu vực làng nghề, nông thôn) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân là do Hà Nội còn thiếu các vị trí để xây dựng các trạm trung chuyển, điểm chuyển tải thu gom rác; thiếu các khu xử lý rác theo quy hoạch tại các địa phương để giảm tải xử lý cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung của Thành phố.

Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý rác trên địa bàn còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ do khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa, thiếu sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn. Mặt khác, một số chủ đầu tư và công ty môi trường chưa đáp ứng yêu cầu về công nghệ và máy móc quét hút, thu gom, vận chuyển chất thải rắn bằng cơ giới, dẫn đến còn tồn đọng rác;

Hiện tượng đổ trộm phế thải xây dựng tại các tuyến đường; việc các xe trọng tải lớn chở vật liệu rơi vãi, quá trình thi công các công trình gây bụi, đất bùn rơi vãi…cũng góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt của UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa được xử lý nghiêm. Thậm chí, nhiều hiện tượng vi phạm vệ sinh môi trường trên địa bàn không được xử lý gây bức xúc dư luận.

Cùng với đó, ý thức của một số người dân còn kém trong việc tuân thủ, thực hiện các nội dung đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số địa phương chưa sâu sát, đôn đốc thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đồng bộ các giải pháp xử lý rác thải

Để giải quyết những thách thức trong vấn đề xử lý rác thải, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trước hết, các huyện phải chủ động hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải phù hợp với đặc điểm của địa phương; đảm bảo mỗi xã có tối thiểu từ 1-2 điểm tập kết/trung chuyển rác thải. Mạng lưới các điểm trung chuyển, tập kết rác thải phải được xây dựng đúng quy định, quy hoạch; đảm bảo cự ly vận chuyển hợp lý, khoa học và kinh tế.

Bai_HN2

Hà Nội chú trọng triển khai công tác phân loại rác tại nguồn.

Các quận, huyện, thị xã bố trí và công bố công khai các điểm tập kết để trung chuyển đất thải, phế thải xây dựng trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ đất thải, phế thải không đúng nơi quy định, làm rơi đất, phế thải trên đường. Cơ giới hóa việc thu gom, vận chuyển rác đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Thực hiện nghiêm túc việc bỏ rác, thu gom đúng giờ, đúng quy định.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ đốt phát điện với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ hiện đại tiên tiến. Trước mắt là đẩy nhanh tiến độ khởi công công trình Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn 4.000 tấn/ngày đêm; Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày đêm, phấn đấu đưa vào vận hành nhà máy này vào năm 2020; Đồng Ké 1.500 tấn/ngày đêm.

Đồng thời, Hà Nội chú trọng triển khai công tác phân loại rác tại nguồn theo hướng phân chia địa bàn các huyện thành nhiều vùng khác nhau để áp dụng các phương thức phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý; kết hợp với việc phân loại tinh tại các trạm trung chuyển nhằm tăng hiệu quả xử lý, tái chế rác thải, giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển đi chôn lấp, xử lý; nghiên cứu xây dựng kế hoạch hướng tới việc phân loại phù hợp với công nghệ xử lý trong bối cảnh Thành phố đang đẩy mạnh xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện.

Đáng chú ý, Thành phố sẽ lựa chọn công nghệ tái chế là công nghệ chủ đạo; đốt một phần hoặc đốt có thu hồi năng lượng; kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh tại chỗ (của huyện) hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp hợp vệ sinh tập trung của Thành phố; hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R hoàn chỉnh cho toàn Thành phố.

Trong thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hiện có, hợp nhất các ô chôn lấp tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (giai đoạn 2); khu xử lý Xuân Sơn- Sơn Tây (giai đoạn 2) nhằm tăng dung tích, công suất xử lý rác đảm bảo an ninh môi trường trong thời gian các nhà máy xử lý đang trong quá trình đầu tư, xây dựng. Đẩy nhanh đầu tư mở rộng khu xử lý chất thải rắn phía Bắc Sơn quy mô 37 ha và hợp khối các khu vực hiện có để đảm bảo tiếp nhận đến 2020. Ngoài ra, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác xử lý chất thải rắn.

Nguồn: Tuyết Chinh/Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc