Hiệu quả mô hình thu gom rác thải bảo vệ thực vật ở huyện Đăk Tô

Thứ 7, 20/01/2024, 06:24 GMT+7

Nhằm góp phần làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước, huyện Đăk Tô dành một phần kinh phí để xây dựng các bể chứa các loại bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng. Đây là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình xây bể chứa để thu gom rác thải và bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.

Đăk Tô là địa phương có đa số người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV phục vụ trong sản xuất ngày càng tăng, nhất là tại các vùng chuyên sản xuất cây trồng…Trong khi đó, phần lớn nông dân sau khi sử dụng thuốc thì bao bì, vỏ chai thường tiện đâu vứt đấy, nguy cơ tác động đến môi trường ngày càng tăng. Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, huyện Đăk Tô xây dựng Phương án số 52/PA-UBND (ngày 1/6/2018) về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn huyện.

Đăk Tô thu gom rác thải bảo vệ thực vật

Người dân xã Tân Cảnh bỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng vào bể chứa rác

Thực hiện phương án trên, UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã khảo sát các vị trí đặt bể chứa tại các khu vực đồng ruộng, thuận tiện cho người dân và thuận lợi trong việc thu gom rác thải. Kết quả, đến nay, địa phương đã xây dựng 88 bể chứa thuốc BVTV sau sử dụng và được đặt tại các khu vực đồng ruộng ở tất cả các xã trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cũng đã ban hành quy chế phối hợp trong khai thác, quản lý, vận hành các bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan và chính quyền các xã trong việc quản lý, sử dụng, vận hành bể chứa và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.

Ông Bùi Tiến Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Để thay đổi thói quen lâu nay của người dân, huyện đã huy động các đoàn thể chính trị- xã hội vào cuộc tích cực tuyên truyền, vận động nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất. Trong đó, chú trọng việc vận động người dân sử dụng đúng mục đích bể chứa, bỏ bao bì đúng nơi quy định, không tác động gây hư hỏng bể chứa. Thường xuyên tổ chức kiểm tra các khu vực sản xuất nông nghiệp, nếu còn trường hợp bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thải bỏ bừa bãi ngoài môi trường thì kịp thời thu gom và tiếp tục vận động nhân dân thu gom, đổ bỏ bao gói thuốc BVTV đúng nơi quy định.

Về các xã Diên Bình, Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) - 2 xã có diện tích sản xuất các loại cây trồng nhiều nhất và cũng được đầu tư xây dựng số lượng bể chứa rác thải thuốc BVTV nhiều nhất của huyện - chúng tôi tận mắt chứng kiến bà con nơi đây thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng rất nghiêm túc. Qua kiểm tra vài bể chứa tại thôn 1, 2, 3 của xã Tân Cảnh, các bể chứa đều có bao bì thuốc BVTV bên trong. Thậm chí bể chứa bao bì tại thôn 3 đã gần đầy chất thải.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết: Xã Tân Cảnh 14 bể chứa tại các khu vực đồng ruộng ở tất cả các thôn làng. Qua kiểm tra các bể chứa cho thấy, người dân thực hiện thu gom, bỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng đúng quy định. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động đã đem lại hiệu quả, nhận thức của nông dân đã dần thay đổi theo hướng sử dụng thuốc BVTV an toàn, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được người dân bỏ đúng nơi quy định…Tương tự, tại xã Diên Bình có 14 bể chứa thì tất cả các bể đều phát huy tác dụng. Người dân tự giác gom, bỏ các bao bì thuốc BVTV vào trong bể. Tình trạng người dân vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng hầu như không còn.

Ông Phạm Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Diên Bình khẳng định, để người dân thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức thì điều đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động. Chúng tôi huy động các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu thực hiện để nhân dân làm theo. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng huy động đội ngũ thôn trưởng, người có uy tín tham gia tuyên truyền để nhân dân hiểu được tác hại của việc vứt bỏ bừa bãi bao bì thuốc BVTV đối với môi trường và nguồn nước…

Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Tô cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy đa số bể chứa đều có bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được người dân thu gom bỏ vào bể. Nhìn chung, công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đã được người dân quan tâm, thực hiện, đặc biệt là ở những vùng tập trung có nhiều diện tích cây trồng…Tuy nhiên, cũng theo bà Lê Thị Thu Thủy, qua kiểm tra, một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cũng như quản lý, bảo vệ bể. Ý thức thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt bỏ bừa bãi, chưa bỏ đúng nơi quy định; có nơi bể chứa bị phá hư hỏng, có nơi sử dụng không đúng mục đích…

Trước tình hình trên, ngày 6/8, UBND huyện Đăk Tô ban hành công văn chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường, phải thu gom hết các bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; tuyệt đối không bỏ chất thải sinh hoạt vào bể chứa, không tự ý đem chôn, đốt hoặc sử dụng bao gói, thuốc BVTV vào mục đích khác…

Lâu nay, vấn đề tùy tiện xả vỏ chai, lọ, túi nilon chứa hóa chất BVTV sau khi sử dụng ở khu vực nông thôn gây ra ô nhiễm môi trường và để lại hệ lụy khôn lường diễn ra khá phổ biến khiến nhiều địa phương loay hoay nhưng chưa tìm được hướng giải quyết triệt để. Chính điều này làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm bởi dư lượng thuốc BVTV còn sót lại trong bao bì đựng thuốc gây nguy hại và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cần được xử lý đúng cách, đúng quy định. Bởi vậy, nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng và tạo thói quen tốt trong canh tác, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất... do bao bì thuốc BVTV để lại là mục tiêu mà huyện Đăk Tô đã và đang thực hiện nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Nguồn: Kon Tum Online

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc