Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây trồng là điều cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí), ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của xã Ninh Lai đã có nhiều chuyển biến rất đáng ghi nhận, nông sản tăng cả về số lượng và chất lượng, đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên 100 ha; vùng trồng ớt gần 30 ha; vùng trồng rau vụ đông trên 50 ha... Nông dân đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có việc sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng.
Tại cánh đồng thôn Hợp Thịnh với diện tích hơn 10 ha, mặc dù đang là chính vụ phun thuốc BVTV cho cây lúa, nhưng dọc theo tuyến đường trục chính nội đồng, không còn tình trạng người dân vứt vỏ bao thuốc BVTV ra kênh mương, bờ ruộng như những ngày trước. Ông Trần Văn Trung thôn Hợp Thịnh cho biết, trước kia vào mùa vụ sản xuất, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon… vương vãi khắp bờ ruộng, kênh mương. Thói quen vứt rác thải bừa bãi trên đồng ai cũng biết rằng vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy hại cho chính người dân, nhưng không ai muốn đem về nhà vì không có điểm tập kết. Từ khi được tuyên truyền về tác hại của thuốc BVTV, nhất là có các bể chứa rác trên đồng, chúng tôi đã thu gom các vỏ bao này đúng nơi quy định.
Sau khi phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá cho 3 sào ruộng, ông Trần Quốc Tuấn, thôn Ấp Mới gom toàn bộ vỏ bao bỏ vào bể chứa. Ông chia sẻ: “Những năm trước, chưa có điểm thu gom, không biết để vỏ bao thuốc BVTV ở đâu. Vì mang về nhà đốt không được, nên tôi đành để ở kênh mương nơi lấy nước pha thuốc. Nay có các điểm thu gom và đã được phổ biến về tác hại của việc vứt bừa bãi vỏ bao thuốc BVTV nên tôi bỏ vào bể chứa để bảo đảm an toàn cho con người, vật nuôi và bảo vệ môi trường”.
Ông Phùng Trọng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết: Trước đây, sau khi pha chế thuốc bảo vệ thực vật xong, bà con thường vứt chai lọ, vỏ bao bì ra cánh đồng, đường nội đồng. Trước thực trạng trên, từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã lấy ý kiến người dân ở các thôn và đặt 40 bể thu gom bao bì tại các cánh đồng thuộc 17 thôn. Do mỗi thôn chỉ có 2- 3 bể, nên việc lựa chọn địa điểm đặt bể được các thôn lựa chọn ở những cánh đồng lớn, vị trí pha thuốc thuận lợi. Bên cạnh đặt các bể chứa rác tại các cánh đồng, chính quyền xã còn giao cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thông qua các lớp tập huấn thời vụ, các buổi sinh hoạt các chi hội, tổ chức tuyên truyền tác hại của việc vứt bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời phát động các đợt ra quân thu gom bao bì trên trục đường, kênh mương bỏ vào các điểm thu gom.
Các hoạt động tích cực trên đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn vận động nông dân thực hiện mô hình trồng rau theo VietGAP, hữu cơ; sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp); sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến SRI, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp để giảm sử dụng thuốc BVTV nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của thuốc BVTV mang lại, bảo đảm môi trường sản xuất nông nghiệp.
Cách làm phù hợp với tình hình thực tế, kết hợp công tác vận động, giám sát hiệu quả của chính quyền xã cùng với sự đồng thuận, ý thức cao của bà con nông dân đã giúp giải pháp xử lý bao bì thuốc BVTV của xã Ninh Lai đạt hiệu quả, qua đó góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn./.
Nguồn: Sở nông nghiệp phát triển nông thôn Tỉnh Tuyên Quang