Học sinh làm xà phòng bảo vệ môi trường

Thứ 4, 20/03/2019, 09:23 GMT+7

 

Xuất phát từ mong muốn giúp mọi người bảo vệ da tay đồng thời hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, một nhóm học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế(Thừa Thiên - Huế) đã sáng chế ra xà phòng làm từ nguyên liệu thiên nhiên…

71

Nguyễn Gia Phương (trưởng nhóm) cùng Lê Văn Nhân Kiệt (trái) trong một buổi giới thiệu xà phòng thiên nhiên của nhóm

Nhóm học sinh trên gồm: Nguyễn Gia Phương, Nguyễn Xuân Tùng, Hồ Hữu Tường, Lê Văn Nhân Kiệt, Lê Nữ Uyên Phương, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Hữu Quang Nhật, Nguyễn Khánh Linh, Nguyễn Thị Kim Anh, Trần Công Đại - đều là học sinh lớp 10.

Nói về ý tưởng của nhóm, Nguyễn Gia Phương (trưởng nhóm) cho biết: “Thực tế hiện nay nhiều gia đình sử dụng các loại xà phòng dạng gel đóng chai để vệ sinh hằng ngày. Các loại xà phòng này được sản xuất theo mô hình công nghiệp và tiềm ẩn một vấn đề là chứa các hạt vi nhựa có hại cho da. Thêm vào đó, các chai nhựa đựng xà phòng sau khi sử dụng hầu như không được tái chế mà thải ra môi trường làm tăng lượng rác thải nhựa. Vì vậy, ý tưởng “xà phòng xanh” của nhóm ra đời nhằm khắc phục hai hạn chế trên nhưng vẫn đảm bảo các tính chất của xà phòng thông thường”. Một động lực khác để nhóm bắt tay thực hiện ý tưởng là trước đó Phương cùng các bạn đã được tham gia khóa tập huấn “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải nhựa” do trường tổ chức nên nhóm hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và mong muốn chung tay để cải thiện vấn đề này. Theo đó, sản phẩm xà phòng bánh của nhóm được chế biến từ nguyên liệu chính là nha đam, đậu đỏ, dầu dừa và một số tinh dầu pha trộn để tạo mùi. Phương giải thích: “Với sản phẩm này hoàn toàn không có hạt vi nhựa trong xà phòng. Đặc biệt, khi dùng xà phòng này rửa tay sẽ tạo cảm giác mịn, mát, cung cấp độ ẩm cho da và làm sạch da tay mà không hề gây hại”.

Để hoàn thiện ý tưởng, nhóm phải mất gần 2 tháng ròng rã nghiên cứu thành phần, tỉ lệ, kiểm nghiệm… Quy trình chế tạo xà phòng bắt đầu bằng việc trộn hỗn hợp phôi và hương liệu (nha đam hoặc đậu đỏ) theo tỉ lệ, sau đó nấu trong vòng 30 - 40 phút. Vào thời điểm nhất định trong quy trình đun nấu sẽ cho thêm vài giọt dầu dừa và tinh dầu mùi bạc hà. Khi hỗn hợp được đun sôi vừa đủ, nhóm bắt đầu đổ ra khuôn, cho vào tủ đông lạnh để trong vòng 2 ngày. Tiếp đó, xà phòng được lấy ra để bên ngoài điều kiện không khí bình thường, sau 2 tuần thì đưa vào sử dụng. Xà phòng hoàn chỉnh có đủ tiêu chí hình dạng bắt mắt, tạo bọt, có tính sát khuẩn làm sạch. Một điểm cộng khác là sản phẩm không sử dụng nhựa để đóng gói.

Phương kể: Khó khăn nhất trong quá trình thực hiện là công đoạn làm thí nghiệm tìm công thức chuẩn. Nhóm đã mất khá nhiều thời gian với những phương pháp nấu và tỉ lệ khác nhau. Do lịch học không trùng nhau nên để làm được, nhóm phải sắp xếp và phân chia thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, tranh thủ thêm ngày cuối tuần để trao đổi, cùng làm.

Việc tạo ra sản phẩm này có tác động tích cực đến ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ da người dùng và giảm thiểu lượng chai nhựa thải ra môi trường. Xà phòng của nhóm được nhiều người ủng hộ, thể hiện qua lượng đơn đặt hàng online và sự lan tỏa ý thức sử dụng sản phẩm hữu cơ, bảo vệ môi trường. Nói về dự định trong tương lai, Phương cho biết nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm và đưa đi kiểm định ở Sở Y tế trước khi phát triển dự án với quy mô lớn vào mùa hè năm nay. Ngoài ra, nhóm sẽ làm xà phòng tặng cho học sinh khó khăn ở các trường tiểu học. Đồng thời với đó nhóm sẽ truyền thông thông điệp bảo vệ môi trường, dùng sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người.

TS. Đào Anh Quang (người hướng dẫn nhóm làm xà phòng) nhận xét: “Tôi đặc biệt đánh giá cao khả năng làm việc nhóm của các em, đây là kỹ năng mà tôi nghĩ các em đã được rèn luyện qua dự án và là hành trang cho các em thành công trong tương lai. Dự án này mang tính sáng tạo và ứng dụng thực tiễn cao. Quá trình thực hiện các em đã biết vận dụng kiến thức đã học được để tạo nên một sản phẩm thú vị. Thực tế, việc áp dụng sản phẩm phụ thuộc vào chính sự quan tâm và hiểu biết của mọi người về môi trường sống và bảo vệ tự nhiên. Đây là sản phẩm thiết thực. Vì vậy, vấn đề chính là các em cần tạo chiến dịch truyền thông rộng rãi để mọi người cùng biết và ủng hộ”.

Nguồn: Hàn Giang/Giáo dục online

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc