Nhằm góp sức gìn giữ, bảo vệ môi trường một cách thiết thực, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) đã triển khai mô hình “Thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại ruộng”.
Xã Đoàn Kết cơ bản là xã thuần nông với hơn 1.000ha đất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật; trong khi đó ý thức về xử lý bao bì, chai nhựa đựng hóa chất sau khi sử dụng chưa cao, còn quăng, vứt bừa bãi ngay tại khu sản xuất. Trước thực trạng này, Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết đã xây dựng, triển khai mô hình “Thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại ruộng”.
Mặc dù mới đi vào hoạt động thí điểm tại thôn 5 từ cuối tháng 6 vừa qua, song bước đầu mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Hồng Mai - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết cho biết: Để thu gom rác thải nguy hại, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, chúng tôi đã đặt các bể chứa bằng bê tông để làm điểm tập kết rác thải cho người dân. Mỗi bể chứa có chiều cao và rộng khoảng 1m, được xây dựng đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật để tránh tình trạng hư hỏng, chất thải hóa học thẩm thấu ra bên ngoài. Mô hình này nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, nâng cao ý thức trong việc không xả rác thải đựng thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, góp phần bảo vệ môi trường sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân, giữ vệ sinh nguồn nước và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm làm ra...
Hội viên Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết hướng dẫn người dân bỏ rác thải vào bể chứa
Chi phí để xây dựng các bể chứa rác thải ước tính trên 2 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được trích từ quỹ của Hội Cựu Chiến binh xã Đoàn Kết, bên cạnh đó, các hội viên của hội cũng tự nguyện đóng góp thêm để xây dựng mô hình.
Ông Nguyễn Hồng Mai cho biết thêm: Để mô hình được triển khai hiệu quả, Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc không xả rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, chúng tôi cũng quan tâm thông tin đến toàn thể cán bộ, hội viên về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, nguyên nhân và những hậu quả khôn lường từ tác hại của rác thải hóa học… Qua đó, các cán bộ, hội viên sẽ tiếp thu và tích cực tuyên truyên đến bà con nhân dân. Song song với việc triển khai mô hình thu gom rác thải ngoài đồng ruộng, định kỳ theo hàng tháng, chúng tôi đều xuống với bà con để vận động các hộ gia đình nạo vét kênh mương, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới về môi trường của xã Đoàn Kết.
Ông Lê Thọ ở thôn 5 cho biết: Trước đây, khi chưa có các bể chứa bê tông, người dân ở đây thường hay có thói quen xả rác bừa bãi. Đặc biệt là vào thời điểm trước mỗi mùa vụ, rất nhiều chai nhựa, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật các loại như thuốc diệt côn trùng, trừ sâu, thuốc diệt cỏ,… vứt bừa bãi. Những rác thải này không những gây ô nhiễm môi trường không khí, mà còn trôi theo kênh mương ra các con suối, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến đất đai canh tác. Hàng tháng, tôi cùng một số gia đình xung quanh các trục đường nội đồng đều phải đi thu gom và xử lý các rác thải này. Có nhiều lần, chúng tôi phải mất mấy ngày trời mới thu gom xong… Từ ngày Hội Cựu chiến binh xã triển khai mô hình “Thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại ruộng”, rác thải cơ bản được bỏ đúng chỗ. Tôi thấy rất nhiều người bắt đầu hình thành thói quen gom các loại vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau mỗi lần sử dụng để bỏ vào trong các bể chứa bê tông. Cứ cách 2 tuần một lần, Hội Cựu chiến binh của xã lại cắt cử người đến các bể chứa bê tông này để phân loại, sau đó xử lý bằng cách châm dầu hỏa để đốt. Nhờ vậy mà hơn 2 tháng nay, tôi cùng mọi người trong xóm không phải đi thu gom rác thải xung quanh cánh đồng nữa. Tôi cảm thấy mô hình này rất thiết thực và ý nghĩa.
Được biết, khi thành lập Ban tổ chức mô hình, Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết đã mời gọi các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cùng tham gia làm thành viên phối hợp, nhằm từng bước xã hội hóa mô hình, phát triển sâu rộng trên khắp địa bàn xã. Theo ông Nguyễn Hồng Mai, sắp tới, Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết sẽ tổ chức tổng kết quá trình triển khai mô hình. Trong đó sẽ đánh giá các tiêu chí về hiệu quả môi trường (sức khỏe người dân, văn hóa, khu dân cư xanh - sạch - đẹp); hiệu quả xã hội (quan điểm của cấp ủy đảng, chính quyền, nhận thức và sự hưởng ứng của người dân); tính bền vững của mô hình (nguồn tài chính, nhân lực, xã hội hóa). Nếu đáp ứng đủ các tiêu chí này, Hội sẽ nhân rộng mô hình ở thôn 5 đến các thôn trên địa bàn toàn xã.
Nguồn: Báo Kon Tum điện tử