Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái và xây dựng nền nông nghiệp bền vững thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang được thị xã Hương Thủy chú trọng.
Phó Bí thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo thị xã Hương Thủy tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại xã Thủy Tân
Hương Thủy có gần 5,5 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm trên 12,4% diện tích đất tự nhiên. Bên cạnh tỷ trọng ngành nông nghiệp đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định đời sống người dân trên địa bàn, thì quá trình canh tác, sản xuất lâu ngày đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: tình hình dịch bệnh ngày càng tăng, thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi…
Trước thực trạng này, theo ông Ngô Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, thời gian qua, thị xã Hương Thủy đã phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn - giải pháp được xem là tối ưu nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, khắc phục được các tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, qua đó, giúp người nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đón đầu nhu cầu thị trường về sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, tiến tới đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu hướng tới sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có nguồn gốc càng lớn, vừa qua, một số HTX và người dân trên địa bàn thị xã đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: sản xuất lúa liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ, trồng lúa hữu cơ tại xã Thủy Phù và Phù Nam, rau thủy canh nhà lưới ở Thủy Châu, Thủy Tân... Tuy những sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, đơn cử như rau thủy canh của HTX nông nghiệp Thủy Tân, nhưng nhìn chung, hình thức liên kết vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường; người dân còn gặp khó khăn trong xây dựng quy trình sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Không chỉ vậy, việc triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp khó khăn nhất định khi quá phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát… khiến hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết, trong khi giá vật tư đầu vào khá cao, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới… để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Từ thực tế này, cuối tháng 2 vừa qua, UBND thị xã Hương Thủy phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đây là cầu nối, giúp các HTX, bà con nông dân có điều kiện tiếp cận, đối thoại trực tiếp với các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hợp tác, liên kết sản xuất, ông Vinh cho biết thêm.
Ông Ngô Văn Vinh cho hay, từ nhu cầu và tiềm năng sẵn có của địa phương, giai đoạn 2023-2025, Hương Thủy tiếp tục phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ (gà, lợn), tập trung các địa phương như: Phú Sơn, Thủy Phù, Thủy Phương…; đầu tư phát triển thêm khoảng 140ha lúa hữu cơ tại: Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Lương, Thủy Châu. Định hướng đến năm 2025, sẽ xây dựng quy trình chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ.
Tập đoàn Quế Lâm tặng phân hữu cơ vi sinh cho bà con nông dân Hương Thủy
Để giới thiệu sản phẩm hữu cơ rộng rãi cũng như ở chiều ngược lại, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ, Hương Thủy cũng sẽ xây dựng 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên toàn địa bàn, đồng thời, phấn đấu xây dựng mỗi xã/phường có ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, Hương Thủy cũng hướng đến mục tiêu mở rộng và hình thành mới các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn, đất canh tác an toàn theo hướng hữu cơ đạt 3% đất sản xuất nông nghiệp với một số cây con chủ lực, ở các vùng sản xuất tập trung của thị xã; 100% sản lượng cây, con an toàn được tiêu thụ theo hệ thống và truy xuất được nguồn gốc.
Những hoạt động này sẽ giúp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn; bảo đảm cung ứng đủ nguồn thực phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân cũng như xây dựng thương hiệu nông sản, tăng sức cạnh tranh của nông sản lợi thế Hương Thủy gắn với bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái như mục tiêu thị xã đã và đang thực hiện.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế