Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư và mục tiêu phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới trong năm 2023 của Tỉnh Phú Yên

Thứ 5, 30/03/2023, 03:00 GMT+7

Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp cùng với sự tham gia phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận, tin tưởng, hưởng ứng cao của Nhân dân, nhờ đó kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn cơ bản được nâng cấp khang trang, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh.

mục tiêu thực hiện nông thôn mới năm 2023 Tỉnh Phú Yên

Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn tham quan vườn tiêu của người dân tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa

 

mục tiêu thực hiện nông thôn mới năm 2023 Tỉnh Phú Yên

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn và các cơ quan, đơn vị tham quan vườn cây ăn trái của một chủ hộ tại huyện Tây Hòa

mục tiêu thực hiện nông thôn mới năm 2023 Tỉnh Phú Yên

Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn trồng cây xanh tại khuôn viên Huyện Ủy Tây Hòa

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng, ban hành một số cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình tại địa phương. Đồng thời, phân công, hướng dẫn việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao. Trong đó, phân công cụ thể từng sở, ngành phụ trách từng chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2022, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ngành chức năng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng, quản lý điều hành và thực thi cho cán bộ tham mưu xây dựng nông thôn mới các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả Chương trình.

Cụ thể trong năm qua, đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm dành cho cán bộ các cấp và chủ thể sản xuất về các nội dung thuộc Chương trình OCOP với khoảng 200 lượt người tham gia; trong đó hơn 100 cán bộ các cấp tỉnh, huyện, xã là cơ quan thường trực Chương trình OCOP, lãnh đạo UBND cấp xã và gần 100 chủ thể đến từ Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh,…; tổ chức 04 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới với hơn 314 lượt người tham dự.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp, các ngành của tỉnh cũng luôn được chú trọng. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện những mặt tồn tại, hạn chế, từ đó kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục, giải quyết khó khăn, thúc đẩy tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Nhiều khu dân cư, vườn mẫu kiểu mới được công nhận

Đến nay, toàn tỉnh có 63/83 xã (tỷ lệ 76%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 04 xã so với cuối năm 2021; có 02 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là huyệnTây Hòa và huyện Phú Hòa.

Điểm nổi bật trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là việc thực hiện xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu nông thôn mới. Các mô hình mẫu này tạo điểm nhấn cho từng địa phương. Đồng thời khuyến khích các địa phương khác trong tỉnh tham gia xây dựng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tại địa phương mình. Trong năm 2022, đã có 06 khu được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và có 09 vườn được công nhận vườn mẫu nông thôn mới.

mục tiêu thực hiện nông thôn mới năm 2023 Tỉnh Phú Yên

Làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 triển khai Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020 đã mang lại những kết quả tích cực. Lũy kế tổng chiều dài các tuyến đường đã hoàn thành đến cuối chương trình là 482,513km, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp của Nhân dân, nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi.

Công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và nhất là sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần thực hiện tốt Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả; tập trung triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Cùng với đó, công tác giảm nghèo đã được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả. Nhiều chính sách, dự án giảm nghèo triển khai có hiệu quả, các dịch vụ xã hội cơ bản đã đến với người nghèo, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đời sống người dân được nâng lên và thoát nghèo bền vững. Cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới góp phần giữ vững, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn, mức độ phổ cập giáo dục các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở và xóa mù chữ ngày càng nâng cao. Hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, tập trung đầu tư, ưu tiên cho các xã khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm và giai đoạn. Các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia, về sức khỏe môi trường, y tế học đường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em … được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tiến độ triển khai thực hiện các nội dung Chương trình còn chậm

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, trong đó việc ban hành khung pháp lý quy định thực hiện Chương trình của Trung ương và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan về thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới còn chậm và chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác tham mưu ban hành quy định bộ tiêu chí ở địa phương cũng như việc hướng dẫn, triển khai thực hiện, rà soát đánh giá lại theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Số lượng và yêu cầu đạt chuẩn của các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cao hơn so với giai đoạn trước, do đó sau khi rà soát, đánh giá lại theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 nhiều địa phương sẽ không giữ vững tiêu chí; bình quân tiêu chí nông thôn mới/xã của tỉnh sẽ giảm đi.

Việc phân bổ các nguồn vốn thực hiện Chương trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các nội dung Chương trình tại địa phương; nguồn nhân lực thực hiện Chương trình, cán bộ nông thôn mới các cấp phần lớn là làm việc kiêm nhiệm, có những khó khăn, hạn chế nhất định về chuyên môn, nghiệp vụ gây khó khăn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao...

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp

Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đồng thời phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2023, Phú Yên tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục, phân công, phân nhiệm rõ ràng; gắn công tác chỉ đạo với đôn đốc, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm.

Huy động tối đa nguồn lực trên địa bàn để tổ chức triển khai Chương trình; trong đó ưu tiên bố trí nguồn thu từ xổ số kiến thiết, tận dụng cơ chế bán đấu giá quyền sử dụng đất ở vùng có dư địa lớn và tiềm năng phát triển để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, tiếp tục huy động vốn đóng góp của Nhân dân.

Hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình, các Quyết định ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới xã, huyện. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Một số mục tiêu tỉnh phấn đấu thực hiện trong năm 2023:

1. Duy trì và giữ vững 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới (64 xã), đạt tỷ lệ 77% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Duy trì và giữ vững 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu có thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (16 xã).

3. Duy trì và giữ vững 06 Khu dân cư kiểu mẫu, phấn đấu có thêm 03 khu dân cư kiểu mẫu.

4. Duy trì và giữ vững 09 vườn mẫu nông thôn mới, phấn đấu có thêm 07 vườn mẫu nông thôn mới.

Xem thêm:

1. Quảng Nam phấn đấu có thêm ít nhất 80 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023

2. Thừa Thiên Huế: Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới năm 2023

3. Cà Mau: Rà soát tiến độ xây dựng huyện Thới Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phú Yên

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc