Nhiều nông dân có thói quen sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì vứt bỏ vỏ bao bì, chai lọ bừa bãi tại các cánh đồng, làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng trên, nhiều xã ở huyện Cờ Đỏ đã triển khai, thực hiện mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật.
Rác thải nông nghiệp là chai lọ, bao bì thuốc BVTV phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, độc hại về môi trường. Đây là một thách thức đối với môi trường nông thôn hiện nay vì công tác thu gom, xử lý loại rác này chưa được quan tâm nhiều. Trước thực trạng trên, một số xã của huyện Cờ Đỏ đã thực hiện mô hình “Thùng chứa rác thải thuốc BVTV” hay “Hố chứa rác thải thuốc BVTV” giúp nông dân thay đổi dần thói quen vứt rác thải nông nghiệp ngay tại bờ ruộng, góc vườn sau khi sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Nguyên, ở xã Trung Thạnh, kể: “Trong quá trình sản xuất, các chai, lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV, tôi gom để vào thùng chứa. Không chỉ riêng tôi, nhiều hộ dân khác, cũng thực hiện, góp phần hạn chế việc ô nhiễm môi trường, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho mọi người xung quanh”.
Hình ảnh minh hoạ
Ông Nguyễn Văn Như, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Ấp Thạnh Phước 2 có 822 hộ, với diện tích sản xuất nông nghiệp 299ha. Xã thực hiện mô hình “Thùng chứa rác thải thuốc BVTV” ở ấp Thạnh Phước 2. Qua đó, mô hình được trang bị 15 thùng chứa rác làm bằng kẽm, với nhiều tiện ích: không tồn ứ nước, không bốc mùi hôi, thối… với tổng chi phí 9 triệu đồng, do các hội viên ấp đóng góp”.
Còn tại xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, năm 2019, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Hố chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV” tại ấp Thạnh Lộc 2, gồm có 7 hố với 30 hộ tham gia. Hố xây dựng bằng bê tông, quy cách hố xây dựng ngang 1m, cao 1m, với số tiền 7 triệu đồng, vận động hội viên nông dân đóng góp. Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, cho biết: “Sau thời gian thực hiện mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại phân thuốc BVTV trong sản xuất. Rác thải như vỏ chai, bao bì và các loại rác khác được các thành viên tham gia mô hình bỏ đúng nơi quy định, đảm bảo môi trường xung quanh và sức khỏe mọi người. Thời gian tới, xã sẽ triển khai, nhân rộng mô hình này ra các ấp còn lại trên đia bàn”. Anh Trần Văn Nguyên, nông dân ở xã Trung An, cho biết: “Trước đây, thường tôi vứt luôn vỏ bao thuốc sau khi sử dụng ở ruộng hay nơi lấy nước. Nhưng từ khi có hố chứa, tôi đều bỏ vào hố. Giờ đồng ruộng không còn thấy vỏ chai, lọ, bao thuốc BVTV vứt lung tung như trước nữa, sạch sẽ và an toàn hơn rất nhiều. Tôi đi làm đồng cũng cảm thấy yên tâm hơn vì không lo giẫm phải chai, lọ như trước”.
Có hố chứa, thùng chứa vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV, nên sau khi sử dụng xong bà con đã tự giác thu gom vào thùng, hố chứa. Người nào vi phạm bỏ bừa bãi ngoài đồng sẽ được mọi người nhắc nhở. Từ đó, ý thức, trách nhiệm của bà con trong việc bảo vệ môi trường đã được nâng lên rất nhiều. Hiện nay, mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV tại huyện Cờ Đỏ bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường…
Nguồn: Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam