Khác biệt lớn từ những thay đổi nhỏ

Thứ 6, 05/07/2024, 02:40 GMT+7

Theo thống kê của Viện Quan sát thế giới (Worldwatch Institute), mỗi năm thế giới có khoảng 5.000 tỷ túi nylon được sản xuất. Đây là món đồ tiện lợi và được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày của con người nhưng cũng là một trong số những nguyên nhân chính đang hủy hoại Hành tinh Xanh.

Khác biệt lớn từ những thay đổi nhỏNgười dân sử dụng túi đựng thân thiện với môi trường thay cho túi nylon. Hình ảnh minh hoạ

Một lượng lớn túi nylon bị thải bỏ ra môi trường sau khi sử dụng. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trung bình một chiếc túi nylon được sử dụng trong 25 phút, nhưng phải mất tới 500 - 1.000 năm (tùy loại) để có thể phân hủy hoàn toàn. Trong suốt quá trình đó, chúng tích tụ trong đất và nước, làm ô nhiễm hệ sinh thái và sinh vật biển. Đặc biệt, chất thải nhựa nylon nếu ở ngoài môi trường khi đốt sẽ tạo ra khí thải độc hại, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. 

Tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nylon/tháng; hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần, số lượng được xử lý rất ít. Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số này được xử lý, tái chế, phần còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Tại các đô thị, lượng túi nylon được tiêu thụ khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, trong số này chỉ khoảng 17% được thường xuyên tái sử dụng. 

Năm 2009, Sáng kiến Thế giới không dùng túi nylon (Bag Free World) đã chính thức chọn ngày 3/7 hằng năm là Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon, với mục đích khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng mặt hàng này, qua đó thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới.

Ngay lúc này, hàng triệu người và tổ chức trên thế giới đang cùng hưởng ứng "Tháng 7 không bao bì nhựa" (Plastic Free July) - một chiến dịch nhằm thúc đẩy các chính phủ, cộng đồng và doanh nghiệp hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Sau 11 năm triển khai (khởi nguồn từ Australia, với 40 người), chiến dịch này hiện đã thu hút khoảng 140 triệu người từ 190 quốc gia trên thế giới.

Những người tham gia không nhất thiết phải "cự tuyệt" bao bì nhựa hoặc túi nylon, họ có thể chỉ đơn giản là mang túi cá nhân khi đi mua sắm, tự trang bị hộp đựng cơm trưa, dùng chai nước có thể tái sử dụng, hoặc ngừng sử dụng ống hút nhựa... 

Các chính phủ cũng đưa ra những quy định mới để hưởng ứng chiến dịch này

Ở Hà Lan, giờ đây khách hàng sẽ phải trả tiền cho cốc nhựa và bao bì thực phẩm dùng một lần. Nếu không muốn mất thêm chi phí, họ sẽ sử dụng các sản phẩm thay thế, có thể tái sử dụng mà các cửa hàng cung cấp. 

Ở Aotearoa (New Zealand), chính quyền đã cấm sử dụng đĩa, bát, dao, dĩa dùng một lần, ống hút và đặc biệt là túi đựng nông sản, nhằm mục tiêu loại bỏ 17.000 túi nylon lưu thông mỗi giờ. 

Sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ) cấm bán chai nước dùng một lần trong suốt tháng 7, trong bối cảnh nhiều khu vực ở thành phố đang khẩn trương lắp đặt các trạm tiếp nước. Nước đóng trong các loại chai có thể tái sử dụng cũng đã được đưa vào phục vụ tại giải quần vợt Wimbledon năm nay và tại sân vận động câu lạc bộ bóng đá Arvo, ở Tây Bắc nước Anh.

Một số quốc gia thậm chí đã cấm sử dụng túi nylon và túi nhựa như Italy, Rwanda hay Bangladesh. Nhiều nước khác lại chọn giải pháp đánh thuế đối với sản phẩm này, như Ireland, Hungary, Slovakia, Romania hay Bulgaria.

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới, bao gồm cả tại Việt Nam, đã sẵn sàng thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - một công cụ chính sách phổ biến và rất hiệu quả trong quản lý chất thải, đồng thời được xem là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Hiện có hơn 400 hệ thống EPR khác nhau đang được áp dụng trên toàn cầu, trong đó nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa đó, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.

Trong số các biện pháp được triển khai có thể kể tới việc các công ty hoàn tiền cho người tiêu dùng để thu gom bao bì, giảm lượng vật liệu trong thiết kế sản xuất sản phẩm, có xu hướng sản xuất bao bì cỡ lớn, sử dụng các vật liệu khác như kim loại, giấy, thủy tinh, bột gỗ hay sợi thực vật có nguồn gốc bền vững… để thay cho nhựa…

Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định rõ về trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất và quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Tại phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa ở Canada hồi tháng 4 vừa qua với sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 176 quốc gia, Việt Nam đã ủng hộ việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết vấn đề này.

Thực tế, sản lượng nhựa hằng năm, trong đó có túi nylon, đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm, lên 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp 3 trong vòng 4 thập kỷ. Lượng rác thải nhựa dự kiến sẽ tăng gấp đôi và ô nhiễm nhựa trong đại dương tăng gấp 4 lần vào năm 2040. Chỉ có 9% được tái chế và theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), "đóng góp" của nhựa vào hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060 - chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu của năm 2019.

Theo giới chuyên gia, để chấm dứt ô nhiễm nhựa, trước hết cần điều chỉnh mô hình tiêu dùng và thói quen sinh hoạt, trong đó giảm sản xuất và tiêu thụ các bao bì nhựa hay túi nylon

Báo cáo cho thấy khi hàng triệu người trên thế giới cùng thực hiện những thay đổi nhỏ, điều này có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Năm ngoái, chiến dịch "Tháng 7 không bao bì nhựa" đã giúp giảm mức tiêu thụ nhựa thêm 300.000 tấn, góp phần đáng kể vào việc tránh sản sinh và tái chế 2,6 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Khoảng 88% trong số những người tham gia đã xây dựng cho bản thân một thói quen tích cực, có ích cho môi trường.

Ngày 3/7 - Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon hằng năm chính là một dịp để nhắc nhân loại nhớ rằng: Với mỗi chiếc túi nylon hay mỗi bao bì nhựa không dùng tới, chúng ta sẽ bớt đi cho Trái Đất một gánh nặng môi sinh và tránh được di sản không mong muốn cho các thế hệ mai sau.

Nguồn: Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, "Khác biệt lớn từ những thay đổi nhỏ", đăng ngày 04/07/2024, xem tại link:https://vca.org.vn/khac-biet-lon-tu-nhung-thay-doi-nho-a32174.html, truy cập ngày 05/07/2024.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc