Khẩn cấp bốn điểm để bảo vệ nguồn nước!

Thứ 6, 06/05/2022, 10:16 GMT+7

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao và dân số tăng nhanh, Chính phủ Ai Cập đã công bố chiến lược khẩn cấp 4 điểm để bảo vệ nguồn nước trị giá 50 tỷ USD.

bảo vệ nguồn nước

Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất thế giới Bahr El-Baqar, Ai Cập có công suất 6 triệu m³/ngày

Thống kê của Bộ Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập (MIWR) cho thấy, tổng nhu cầu nước của quốc gia Bắc Phi hiện vượt quá 114 tỷ m³/năm trong khi nguồn cung nước của Ai Cập hiện ước chỉ khoảng 60 tỷ m³/năm. Hầu hết nguồn cung nước của Ai Cập đều đến từ sông Nile, trong khi lượng nước mưa rất hạn chế, ước vào khoảng 1 tỷ m³, và nguồn nước ngầm sâu không thể tái tạo được đánh giá là không đáng kể.

Sự thiếu hụt này được bù đắp bằng cách tái sử dụng nước thải nông nghiệp và nước ngầm bề mặt ở vùng châu thổ sông Nile, bên cạnh việc nhập khẩu từ nước ngoài tương ứng với 34 tỷ m³/năm.

Hiện, Ai Cập được coi là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu do mực nước biển dâng cao và tác động bất ngờ của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với các nhánh của sông Nile, cùng với hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, sóng lạnh và mưa xối xả…

Chiến lược của MIWR sẽ bao trùm 4 lĩnh vực chính gồm: hợp lý hóa việc sử dụng nước; cải thiện chất lượng nước; cung cấp thêm các nguồn nước và tạo môi trường để quản lý tối ưu nguồn nước. Trang Al Monitor dẫn thông báo của MIWR cho biết, kế hoạch này sẽ được triển khai trong vòng 20 năm. Chiến lược bắt đầu với bước cải thiện chất lượng tổng thể của nước để được tái sử dụng một cách an toàn mà không gây ra các vấn đề lây lan dịch bệnh.

Bộ cũng chỉ rõ Luật năm 1984 về thủy lợi và thoát nước chưa bao giờ được cập nhật, trong khi tình trạng lấn chiếm các công trình thủy lợi và sử dụng nước sai mục đích vẫn đang diễn ra. Việc các khu vực trồng lúa chưa được phân định và thiếu sự phối hợp giữa các bộ thủy lợi và nông nghiệp cũng là điều cần lưu ý.

Luật Nông nghiệp Ai Cập cũng quy định những điều kiện hạn chế trong canh tác lúa, ngô và chuối, vốn là những là những cây nông nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn nước tưới tiêu. 85% lượng nước tưới tiêu của nước này cần được chuyển sang sử dụng từ các nguồn nước thải đã qua xử lý. Theo người phát ngôn MIWR Mohamed Al-Sebaai, những nông dân không tuân thủ quy định canh tác sẽ bị phạt 2.000 bảng Ai Cập (khoảng 120 USD) nếu vi phạm lần đầu. Số tiền phạt sẽ tăng lên 10.000 bảng Ai Cập (khoảng 600 USD) và thậm chí sẽ bị cấm canh tác nếu tái phạm.

Lĩnh vực thứ hai của chiến lược tập trung vào việc phân bổ lượng nước sử dụng thông qua một hệ thống quản lý mới, thiết lập các cơ sở phân phối nước, mở rộng hệ thống tưới tiêu hiện đại và sử dụng năng lượng mặt trời như một trong những giải pháp thay thế quan trọng nhất cho năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng khởi động một chương trình quốc gia trị giá 50 tỷ bảng Ai Cập (khoảng 3,17 tỷ USD) để cải tạo 20.000km kênh đào.

Thứ ba là phát triển tài nguyên nước để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm một số dự án bảo vệ và giảm thiểu lũ lụt thông qua các cơ sở thu nước mưa dọc theo bờ biển phía Tây Bắc ở Sinai, các tỉnh thuộc vùng biển Đỏ và Thượng Ai Cập. Một loạt dự án bảo vệ bờ biển đã được thực hiện trải dài khoảng 120km với hệ thống bảo vệ tích hợp chống tình trạng lũ lụt.

Cuối cùng là nhân tố con người. Chiến lược chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho những người làm công tác cấp nước, đồng thời nâng cao nhận thức rủi ro về nước và các luật cần thiết để bảo vệ tài nguyên nước cho người dân như giáo dục tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi.

Nguồn: Tổng cục khí tượng thủy văn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc