Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy đã triển khai thực hiện mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Đây cũng là địa phương đầu tiên của huyện thực hiện mô hình này, bước đầu đạt hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp.
(Nơi thu gom vỏ thuốc BVTV trên cánh đồng - Người dân đã có ý thức bỏ vỏ thuốc BVTV đúng nơi quy định)
Cũng như bao người nông dân khác, gia đình ông Phan Lương ở thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây do thói quen, mỗi khi phun thuốc cho cây trồng, vỏ bao thuốc BVTV thường được ông bỏ lại ngay bờ ruộng. Nhưng nay, nhờ có các thùng chứa rác được đặt gần bờ ruộng, và được tuyên truyền vận động nên chuyện vứt rác bừa bãi không còn xảy ra. ông Lương cho biết: Trước kia bà con phun thuốc đụng đâu vứt đó, nên khi bà con đi sản xuất dẫm phải rách vào chân, bị nhiễm trùng phải đi bệnh viện cấp cứu. Nay khi có chỗ thu gom BVTV, khi bà con phun thuốc xong, thường gom lại đưa vào nơi chứa rác.
Sa Nghĩa là xã thuần nông của huyện Sa Thầy. Hàng năm nông dân địa phương sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV. Hầu hết vỏ bao thuốc sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi ra môi trường. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan nông thôn, mà có thể còn gây thương tích cho người dân (nếu chẳng may dẫm vào các mảnh vỡ của vỏ chai thủy tinh).
Để khắc phục tình trạng này, đồng thời thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, tháng 7/2019 xã Sa Nghĩa đã xây dựng mô hình thu gom vỏ bao thuốc BVTV trên địa bàn. Bước đầu thực hiện, địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn do thói quen của người dân “tiện đâu vứt đó” và tâm lý ngại đi xa. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự hỗ trợ kịp thời và tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong tổ thu gom rác, nên đã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng thôn Hòa Bình và ông Đặng Văn Hừu, tổ thu gom rác thôn Nghĩa Dũng chia sẻ.
Ông Long: Ban đầu tuyên truyền vận động người dân rất khó khăn, nhưng qua nhiều cuộc họp, nhiều hình thức tuyên truyền, người dân đã nhận thức được tác hại của việc thuốc BVTV xả ra nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân nên từ đó người dân sau khi bơm thuốc xong đã có ý thức thu gom về nơi quy định.
Ông Hừu: Trong quá trình điều tiết nước, những bao bì, vỏ chai thuốc BVTV bà con còn sơ ý để trên bờ ruộng, tôi nhặt và gom lại để vào hố rác chứa vỏ thuốc BVTV. Tôi thấy môi trường sạch sẽ.
Ngoài việc thu gom vỏ bao thuốc BVTV, các thành viên tổ thu gom rác còn tích cực tuyên truyền về tác hại, hậu quả của rác BVTV trên đồng ruộng; đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng cách). Các thùng chứa rác cũng được đặt ở các vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại, pha chế thuốc của người dân, và không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Nhờ đó mà việc thu gom vỏ thuốc BVTV cũng từng bước đi vào nề nếp, hiệu quả.
Từ kết quả bước đầu thực hiện mô hình thu gom vỏ thuốc BVTV; nhận thức của cán bộ, nhân dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, cũng như tác hại của rác thải, vỏ bao thuốc BVTV với sức khỏe con người đã được nâng lên. Đây là một việc làm thiết thực vừa có ích cho môi trường sống của người dân địa phương, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2019, xã Sa Nghĩa đã được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới. Đây là thành tích đáng tự hào, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới đối với địa phương trong thời gian tới. Nhất là trong giai đoạn tiếp theo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí về môi trường đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ hơn. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã về một số giải pháp bảo vệ môi trường trong thời gian tới: xã chỉ đạo cho các ban, ngành phối hợp với đoàn thể vận động hội viên của mình tổ chức thực hiện và nhân rộng mô hình thu gom thuốc BVTV, xây dựng mô hình rau an toàn, sử dụng thuốc sinh học để thay thế thuốc BVTV.
Có thể nói, với sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân khi tham gia mô hình thu gom vỏ thuốc BVTV trên đồng ruộng có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên những cánh đồng an toàn. Đồng thời việc làm này đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường và mỹ quan trên đồng ruộng. Thông qua đó còn thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản và sức khoẻ cho người nông dân; góp phần thực hiện các chỉ tiêu xã hội, môi trường nông thôn trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hi vọng cùng với các giải pháp đồng bộ khác trong thời gian tới được người đứng đầu địa phương đề ra, nền SX nông nghiệp trên địa bàn sẽ có sự phát triển bền vững.
Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Kon Tum