Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường và Giám đốc Công ty 3M Việt Nam Jeoung Hoon Kang ký kết Bản ghi nhớ
Tham dự Lễ ký kết có Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, về phía Công ty 3M Việt Nam có ông Jeoung Hoon Kang - Giám đốc Công ty, cùng tham dự có đại diện các đơn vị có liên quan và Công ty 3M Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Tăng Thế Cường cho biết, Việt Nam chính thức là thành viên của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ năm 1994. Thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên, Việt Nam đã hoàn thành loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn như CTC, CFC, Halon, Methyl Bromide, HCFC-141b nguyên chất và đang triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn 2 theo lộ trình Nghị định thư Montreal quy định; đồng thời chuẩn bị xây dựng Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal, thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2019 của Chính phủ.
Với mục tiêu thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali tại Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu và Công ty 3M Việt Nam đã trao đổi và xây dựng Bản ghi nhớ hợp tác cho giai đoạn 2020 - 2023 tập trung vào 3 lĩnh vực hợp tác chính: i) Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm về quy định, tiêu chuẩn, công nghệ thay thế có liên quan và các điển hình tốt trên thế giới nhằm giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả kế hoạch quản lý các chất HCFC và HFC phù hợp với Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali; ii) Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất HFC trong lĩnh vực chữa cháy và dung môi tẩy rửa; iii) Tập huấn tăng cường năng lực và nhận thức cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ tầng ô-dôn về dung môi tẩy rửa và chữa cháy. Các nội dung hợp tác này góp phần triển khai thực hiện nội dung bảo vệ tầng ô-dôn được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được Quốc hội thông qua.
Trong vòng 10 năm qua, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, dây chuyền làm lạnh đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đến việc sử dụng các chất HFC, các chất gây hiệu ứng nhà kính gia tăng cao. Vì vậy, các hoạt động hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực có ý nghĩa quan trọng để xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch quản lý, loài trừ các chất HFC của Việt Nam.
“Thông qua các hoạt động hợp tác với tổ chức trong nước và quốc tế, Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò là thành viên tích cực tham gia học tập, chia sẻ kinh nghiệm về các thực hành tốt nhất, tiếp cận công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng và thân thiện với khí hậu, góp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và thay thế bằng các công nghệ ít có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu, có hiệu suất năng lượng cao hơn sẽ mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội” - ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua, những thành tựu đạt được trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal, đặc biệt là những nỗ lực trong việc quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Ông Jeoung Hoon Kang - Giám đốc Công ty 3M Việt Nam hy vọng: “Bản ghi nhớ mà chúng ta sẽ ký hôm nay sẽ tạo ra một khuôn khổ hợp tác chính thức nhằm thực hiện các hoạt động hợp tác và hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn, chia sẻ các quy định, tiêu chuẩn quốc tế và các công nghệ thay thế có liên quan. Qua đó hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả kế hoạch quản lý các chất HCFC và HFC theo Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali”.
Thay mặt Công ty 3M Việt Nam, ông Jeoung Hoon Kang mong muốn được hợp tác hiệu quả với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi Kigali mà Việt Nam đã chính thức phê chuẩn năm 2019.
Quang cảnh Lễ ký kết