Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình kiểm soát rác thải nhựa mang lại hiệu quả cao.
Triển khai nhiều mô hình sáng tạo, bước đầu đạt hiệu quả tốt như: chợ Cát Bà nói không với túi nilon khó phân hủy; khách sạn nói không với sản phẩm nhựa một lần; Trường học không sử dụng túi nilon khó phân hủy, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; Mô hình “Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động từ tháng 3/2019; Mô hình “Xã đảo không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phầm nhựa dùng một lần” tại xã Việt Hải. Mô hình Ngôi nhà xanh chống rác thải nhựa cũng là mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa do Quận đoàn Hải An triển khai thí điểm tại phường Đông Hải 1 phát huy sự hiệu quả suốt thời gian qua. Sở Du lịch Hải Phòng cũng phối hợp với Tập đoàn Central Retail tổ chức trao tặng 5 thùng rác hình “Cá voi ăn rác thải nhựa” tại bãi biển Đồ Sơn. Mỗi thùng rác có thể chứa 4 - 5 tạ vỏ chai nhựa, được đặt tại bãi biển khu II, bãi biển đoàn 295 và đảo Hòn Dấu. Tại đảo Cát Bà, việc thu gom rác trên vịnh được thực hiện bởi Ban Quản lý vịnh Cát Bà. Hàng ngày, có tàu đi thu gom rác tại các bè nuôi trồng thủy sản, nhà hàng nổi, tàu du lịch và vớt rác trôi nổi trên vịnh. Rác thu gom trên vịnh được chuyển lên bờ và vận chuyển về khu xử lý.
Tại Quảng Ninh
Quảng Ninh đã thực hiện phân loại rác tại nguồn trên tất cả các điểm tham quan vịnh Hạ Long nhằm giảm tải ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và tiết kiệm chi phí thu gom, xử lý. Ban Quản lý cũng triển khai lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh Hạ Long (10 thùng) tại các khu vực tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh, nơi tàu thuyền thường xuyên neo đậu để người dân trên vịnh có điểm tập kết rác trước khi vận chuyển lên bờ. Ban Quản lý vịnh cũng đôn đốc các tổ chức, cá nhân thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên vịnh Hạ Long bằng các vật liệu nổi bền vững khác nhằm giảm thiểu rác thải xốp trôi nổi trên vịnh. Tỷ lệ thay thế phao xốp năm 2019 trên vịnh Hạ Long đạt 91,7%, năm 2020 đạt trên 94%. Đảo Cô Tô đã triển khai Đề án “Hạn chế việc sử dụng túi nilon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017-2020”. Các chủ tàu thuyền, các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh, chợ... được vận động mua các đồ dùng, như làn nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông. Du khách tại bến tàu Cái Rồng sẽ nhận túi giấy, túi ni lông thân thiện môi trường miễn phí trước khi ra đảo Cô Tô. Với sự chung tay của nhiều nguồn lực, người dân và du khách Cô Tô từng bước thay đổi tư duy, bỏ thói quen dùng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn...
Quảng Ninh thực hiện phân loại rác tại nguồn
Tại Quảng Ngãi
Mô hình Làng không rác được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh) là một ngôi làng nhỏ ven biển có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt. Mô hình “Làng không rác” được triển khai bao gồm hoạt động phân loại rác tại nguồn (69 hộ dân của làng sẽ được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn). Đối với hợp phần làm phân compost (phân hữu cơ), Dự án trang bị thiết bị và giúp người dân biết cách ủ rác hữu cơ thải ra hàng ngày để thành phân hữu cơ dùng cải tạo đất, hoặc bón cho cây trồng. Mô hình “giỏ nhựa đi chợ” do Hội liên hiệp phụ nữ các xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi triển khai từ 3 năm gần đây đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Mô hình nhằm vận động hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh việc dùng giỏ nhựa, nhiều hội viên phụ nữ còn dùng hộp nhựa để đựng thức ăn, dùng lá chuối để gói thực phẩm thay vì dùng túi nilon. Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình, việc sử dụng giỏ nhựa đi chợ đã trở thành thói quen “mới” của hội viên phụ nữ ở một số địa phương.
Qua rà soát một số mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại một số quốc gia trên thế giới và các tỉnh/thành của Việt Nam, có thể thấy, việc xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển phải phù hợp với thực tế phân loại, thu gom rác thải tại địa phương (cấp xã, huyện) và phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thu gom, phân loại; thực tế xử lý chất thải trên địa bàn xã, huyện; năng lực (nhân lực và nguồn lực tài chính) của địa phương. Để mô hình kiểm soát đi vào hoạt động trong thực tế, cần có sự phối hợp tham gia của các cấp chính quyền tại địa phương (huyện, xã), có sự tham gia của tổ, đội thu gom và nhận được sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia các hoạt động đồng quản lý rác thải của người dân. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, chung tay phòng chống và giảm thiểu rác thải nhựa; vận động người dân tích cực phân loại rác tại hộ gia đình; thực hiện các biện pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông khó phân hủy; thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng các vật liệu hữu cơ thân thiện môi trường trong việc mua bán sản phẩm, hàng hoá trong đời sống hàng ngày.
Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình