Các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững của nhân loại đang gây áp lực lên hành tinh của chúng ta. Từ những thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng thời trang nhanh đến các thói quen lựa chọn thực phẩm và phương tiện đi lại hay lối sống đều tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, sức khỏe của môi trường và ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Theo báo cáo tóm tắt của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), sự thất thoát và lãng phí thực phẩm chiếm tới 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, con người sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa mỗi năm và 2/3 trong số đó là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn và sớm trở thành chất thải. Dự báo đến năm 2040, sản xuất nhựa có thể chiếm tới 19% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Các chuyên gia cho biết, để giải quyết những vấn đề này, cá nhân mỗi con người phải thay đổi lối sống trong cuộc sống hàng ngày của họ. Hành động khẩn cấp ở tất cả các cấp, ngành là điều hết sức cần thiết để định hướng cho sự thay đổi này.
Ông Jorge Laguna-Celis, Giám đốc Mạng lưới Một Hành tinh của UNEP cho biết: Với tư cách cá nhân, chúng ta có quyền thúc giục tất cả các bên liên quan như: Chính phủ, doanh nghiệp, người dân… coi cuộc sống bền vững là lựa chọn mặc định và đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn. Việc tập hợp các doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan khác để đẩy nhanh sự thay đổi là cần thiết nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng “ba hành tinh” gồm biến đổi khí hậu, mất tự nhiên và đa dạng sinh học, ô nhiễm và chất thải.
Đi bộ, đi xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng có thể giảm phát thải khí nhà kính
Việc mở rộng phát triển nông nghiệp đang thúc đẩy gần 90% nạn phá rừng toàn cầu, trong khi khoảng 25% diện tích đất toàn cầu được sử dụng để chăn thả gia súc. Điều này đe dọa đến đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
Lựa chọn chế độ ăn dựa trên thực vật là cách hiệu quả nhất để giảm tác động trên diện rộng của việc tiêu thụ thực phẩm. Chuyển sang chế độ ăn uống thân thiện nhiều rau xanh hơn giúp cải thiện sức khỏe của con người, giảm phát thải khí nhà kính và giảm tổn thất đa dạng sinh học.
Khoảng 95% phương tiện giao thông của thế giới vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ngành giao thông vận tải trực tiếp thải ra 23% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc tốt hơn nữa là đi bộ và đi xe đạp, có thể giúp giảm lượng khí thải và ô nhiễm không khí. Điều này cũng là cách để khuyến khích sự thay đổi trong cách thức của các nhà quy hoạch thiết kế thành phố.
Các tòa nhà chiếm 21% tổng lượng khí thải nhà kính, chủ yếu là để thắp sáng, sưởi ấm và làm mát. Những hành động đơn giản trong các hộ gia đình và văn phòng có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng như: sử dụng ánh sáng tự nhiên, thay đổi thói quen về quần áo thay vì phụ thuộc vào hệ thống sưởi hoặc làm mát và chuyển sang chế độ sử dụng đồ nội thất bền vững hơn và các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Theo Ngân hàng Thế giới, con người đã tạo ra 2,24 tỷ tấn chất thải rắn đô thị hàng năm và chỉ 55% trong số đó được quản lý tại các cơ sở được kiểm soát. Trong thời đại tiêu dùng quá mức này, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng cần thay đổi hành vi mua sắm, cần cân nhắc xem nhu cầu của mình cần gì, ưu tiên những sản phẩm có tuổi thọ bền dễ sửa chữa mà vẫn đảm bảo có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dùng. Những hành vi này có thể làm giảm việc sử dụng các vật liệu nhựa, giấy và dệt may, giảm chất thải và khí thải liên quan.
Cách mọi người sử dụng thời gian rảnh rỗi của họ - bao gồm cả đi du lịch và các hoạt động giải trí đều tác động đáng kể đến môi trường. Mọi người có thể chuyển sang các hoạt động giải trí bền vững hơn bằng cách đi du lịch tại địa phương và sử dụng các dịch vụ tại đó. Ngành du lịch chiếm khoảng 8% tổng lượng khí thải. Khi di chuyển một quãng đường dài, các chuyên gia khuyên bạn nên kéo dài thời gian lưu trú, ăn uống tại địa phương và tránh việc sử dụng đồ dùng một lần để thay thế các sản phẩm có thể tái chế được.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường