Thời gian qua, nhằm tận dụng các nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, một số hội nông dân các huyện phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chế biến, xử lý rác thải hữu cơ là nguyên liệu, phụ phẩm trong nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi. Với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ cộng tác viên và một phần kinh phí hỗ trợ từ dự án, các mô hình hiệu quả và tích cực này ngày càng được nhân rộng…
Ảnh minh hoạ
Đến xóm Hòa Long, xã Nghĩa Tiến, Tx Thái Hòa là một trong những xóm đầu tiên được tập huấn về kỹ thuật chế biến, xử lý rác thải hữu cơ là các phụ phẩm nông nghiệp trở thành thức ăn chăn nuôi gia súc. Thăm gia trại của ông Phan Văn Quyền- một trong những hộ chuyên nuôi bê và bò vỗ béo quy mô lớn của xã Nghĩa Tiến. Ông Quyền chia sẻ: chăn nuôi hàng chục năm nay nhưng từ năm 2023, mới được tiếp cận chia sẻ, tập huấn về kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm thức ăn cho gia súc và phân hữu cơ, vợ chồng ông như giảm được gánh nặng. Nhờ được tập huấn mà gia đình đã “giải” biết cách chế biến thức ăn cho gia súc từ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp; đồng thời, dùng các phụ phẩm như thức ăn thừa trong sản xuất chăn nuôi dùng để ử làm phân bón hữu cơ.
Cụ thể, nếu như trước đây, các loại thức ăn gia súc là phụ phẩm nông nghiệp gồm lá mía, cỏ voi, cây ngô.. chỉ được chế biến thô là cắt và trộn cám hoặc phơi khô để dành, tích trữ cho gia súc ăn ăn vào mùa đông, chất dinh dưỡng không cao. Thế nhưng, nay nhờ được huấn kỹ thuật, các loại cỏ, lá mía, thân ngô sau khi chế biến tươi xong được dùng chế phẩm sinh học để 45 ngày cho lên men để gia súc ăn dần. Do thực phẩm qua chế biến đã nên men, kích thích tiêu hóa nên đàn gia súc ăn khỏe hơn và giảm chi phí mua cám công nghiệp. Điển hình tại gia đình ông Quyền, trước đây, với 30 con bò nuôi tập trung, gia đình phải tách ra nuôi 2 nơi, hàng ngày 2 vợ chồng phải thay nhau cắt cỏ và chi phí gần 1 triệu tiền cám mỗi ngày nhưng gia súc vẫn kén ăn, lãng phí thức ăn thì nay chỉ sau 2 đến 3 tháng chăm sóc, con bên chỉ 50-70 kg đã tăng lên, trọng lượng khoảng 200 kg/con đã xuất chuồng bán thịt. Chỉ với 2 lao động gia đình nhưng mỗi năm gia trại cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng.
Nhờ chủ động được nguồn thức ăn nên không chỉ gia đình ông Quyền mà hơn 50 hộ chăn nuôi gia súc súc quy mô lớn tại xã Nghĩa Tiến cũng đỡ vất vả hơn. Khâu xử lý môi trường chăn nuôi cũng tốt hơn. Trước đây gia súc ăn thức ăn công nghiệp thường nên chỉ cần nuôi 5-7 con trở lên là mùi khí thải ra khá nặng nhưng từ ngày chuyển sang nuôi gia súc bằng ăn thức ăn hữu cơ và các phế phẩm nông nghiệp khác được gom lại xử lý ủ mục làm phân hưu cơ nên mùi hôi cũng giảm hẳn- một hàng xóm ông Quyền chia sẻ.
Ông Phan Đình Lâm- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tiến (Tx Thái Hòa) xác nhận thực tế trên đồng thời cho biết: nhờ được tập huấn bằng “cầm tay chỉ việc”, bà con nông dân Nghĩa Tiến với phần đa hộ đồng bào thiểu số đã làm chủ được kỹ thuật xử lý thức ăn cho gia súc; tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm thải ra trong chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ. Thông qua việc chế biến, xử lý, các loại rác thải trong nông nghiệp vốn là nguồn gây ô nhiễm môi trường đã tối đa hóa các sản phẩm trồng trọt đưa vào phục vụ chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện tại, toàn xã có 50 hộ nông dân được hỗ trợ áp dụng mô hình, qua đó giúp xã bước đầu xử lý rác thải và môi trường tại chỗ.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngoài Thái Hòa còn có Nam Đàn và Đô Lương được chọn mô hình triển khai dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải góp phần nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Ông Trần Văn Đức- Phó Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm: dự án này được Trung tâm môi trường và phát triển bền vững thuộc Trung ương Hội nông dân Việt Nam tài trợ, thực hiện trong vòng 2 năm, mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023, dự án đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thị xã Thái Hòa và các huyện trên tổ chức được 1 số lớp tập huấn cho hội nông dân. Đối tượng của dự án hướng tới những nông dân sản xuất nhỏ, các trang trại chăn nuôi, các căng tin, nhà hàng và những người thu gom thức ăn thừa chưa được hướng dẫn xử lý về rác thải hữu cơ và môi trường.
Sau khi đưa chúng tôi đi thăm, khảo sát các mô hình xử lý rác thải hữu cơ làm thức ăn gia súc và phân bón hữu cơ, anh Hồ Văn Tý – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Tiến (Tx Thái Hòa) cũng chia sẻ: Nghĩa Tiến may mắn được chọn tập huấn và triển khai vì địa bàn xã có nhiều mô hình chăn nuôi đang phát triển. Tuy vậy, khi đi vào triển khai, hội nông dân xã cũng đối mặt với khó khăn là phần lớn lao động trẻ đều chọn đi làm ăn xa và ngại khổ ngại khó. Chỉ những hộ chịu khó, bám chuồng trại thì sau khi học về mới ứng dụng kỹ thuật, dùng chế phẩm sinh học, chất lên men ủ chua sản phẩm cây lá, cỏ để làm thức ăn chăn nuôi hoặc biết tận dụng các phụ phẩm, phế thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ thì dự án mới thành công.
Hiện nay, dự án tập trung hỗ trợ, chuyển giao 5 kỹ thuật xử lý rác là: xử lý, sản xuất phân hữu cơ (rơm rạ) tại đồng ruộng, ứng dụng đệm lót sinh học trong nuôi gà, lên men phụ phẩm cây trồng để nuôi gia súc, kỹ thuật nuôi giun quế và nuôi sâu can xi. Ông Trần Văn Đức- Phó Ban kinh tế, Hội Nông dân tỉnh cho biết: các kỹ thuật trên đã được ứng dụng khá nhiều tại trại chăn nuôi quy mô lớn nhưng quy mô vừa và nhỏ tại các vùng nông thôn miền núi thì đây là lần đầu tiên hội triển khai. Trong số 5 kỹ thuật chế biến mà dự án chuyển giao, có 1 số kỹ thuật như nuôi giun quế hay dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi nếu đã được Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh hỗ trợ. Tuy vậy, còn một số kỹ thuật mới như nuôi sâu can xi hay kỹ thuật xử lý, sản xuất phân hữu cơ tại đồng, lên men phụ phẩm cây trồng… phải thêm nguồn lực thì mới triển khai nhân rộng được.
Hiện nay, giai đoạn đầu, các chế phẩm sinh học, men vi sinh để xử lý lên men thức ăn cho gia súc cũng như ủ phân hữu cơ đang được dự án hỗ trợ chế phẩm để xử lý. Bình quân, để xử lý, sản xuất ra m3 (tấn) phân hữu cơ từ rác thải, cần khoảng 1 kg chế phẩm sinh học, tương đương với giá 120-150 ngàn. Vì thế, vậy, để triển khai nhân rộng mô hình này, một mặt phải vận dụng Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh nhưng mặt khác các hộ chăn nuôi phải có quy mô lớn, nếu nuôi gia súc như trâu, bò, dê phải từ 10 đến 30 con gia súc hoặc nuôi gia cầm quy mô từ 100 con trở lên/mô hình mới thì triển khai sẽ hiệu quả hơn.
Được biết, sở dĩ Thị xã Thái Hòa được Hội nông dân tỉnh chọn tập huấn tại 3 xã và triển khai mô hình chế biến xử lý rác thải là phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; đồng thời hướng dẫn thu gom, ủ rác thải ủ làm phân bón hữu cơ là vì những năm qua, địa bàn này cùng với Nghĩa Đàn có các mô hình chăn nuôi gia trại quy mô lớn và vừa khá phát triển. Người dân với lợi thế về nguồn nguyên liệu cũng chịu khó đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cỏ cũng như nuôi vỗ béo gia súc tập trung nên triển khai sẽ hiệu quả hơn. Thực tế cũng cho thấy, nhờ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi nên tại địa bàn Đô Lương, Tân Kỳ, Nam Đàn… các mô hình chăn nuôi gà bằng đệm lót sinh học, sản xuất giun quế phục vụ chăn nuôi ngày càng nhiều; các rơm rạ sau khi gặt, được nông dân thu gom hoặc tập trung để xử lý làm phân bón tại ruộng ngày càng nhiều hơn, thay vì xử lý bằng đốt như trước đây. Tương tự, Thái Hòa với lợi thế ngành nghề chăn nuôi đại gia súc phát triển nên các mô hình chế biến thức ăn gia súc và sản xuất phân bón hữu cơ cũng sôi động và hiệu quả thiết thực hơn.
Ông Võ Văn Phong- Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh chia sẻ: dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính do Trung ương hội nông dân Việt Nam hỗ trợ Nghệ An triển khai từ năm 2022 và dự kiến cuối năm 2024 sẽ kết thúc. Hiện tại, cùng với phối hợp triển khai dự án này, hiện Hội nông dân tỉnh đang xây dựng Đề án vận động nông dân lý rác thải hữu cơ để phát triển chăn nuôi và bảo vệ môi trường để trình UBND tỉnh trong thời gian tới. Hy vọng từ ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trên của Dự án, Đề án sẽ được thông qua để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và tham gia tích cực vào bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính./.
Nguồn: Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn" Nhân rộng mô hình chế biến, xử lý rác thải hữu cơ phát triển chăn nuôi ", đăng ngày 10/05/2024, xem tại link " https://khuyennongnghean.com.vn/index.php/chan-nuoi/nhan-rong-mo-hinh-che-bien-xu-ly-rac-thai-huu-co-phat-trien-chan-nuoi-1675.html ", truy cập ngày 15/08/2024