Việt Nam cam kết đến năm 2030 cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính, vì vậy, Nhà nước đã và đang đề ra nhiều chính sách, trong đó có các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh.
Sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và các chất độc hại, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng bởi lẽ nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn còn tìm cách “lách luật”.
Ông Phan Văn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hợp Quốc, đơn vị chuyên sản xuất gạch không nung cho hay, người tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn ngỡ ngàng về các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, trong đó điểm hình là gạch không nung. Bên cạnh đó, hiện các công trình cơ bản tại các tỉnh lẻ hầu như không được thực hiện đúng các quy định nêu ra. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công luôn tìm cách xây bằng gạch nung nhưng vẫn thanh toán bằng đơn giá của gạch không nung gây khó khăn cho doanh nghiệp khác.
Tất cả các sản phẩm mới đều vượt qua tiêu chuẩn của gạch nung, vì vậy các cơ quan quản lý, địa phương cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được quảng bá sản phẩm mới có tính đột phá công nghệ để đi vào các công trình xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách cũng như công trình tư nhân. Các địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 09/2012/TT-BXD, bổ sung Thông tư 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng... về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Quốc nói.
Ông Trần Xuân Đính, Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung - Tây Nguyên cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ và ngành Xây dựng về phát triển vật liệu xây dựng, trong những năm qua trên khu vực đã phát triển được gần 50 nhà máy gạch không nung với công suất hơn 800 triệu viên/năm. Đặc biệt, ông Đính cho hay khu vực Đà Nẵng có hơn 20 nhà máy đáp ứng nhu cầu xây dựng tại khu vực và ngày càng được thị trường tin dùng sử dụng.
Các nhà đầu tư cũng đang gặp khó khăn lớn là việc các cơ quan địa phương không thực hiện nghiêm các quy định về tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất sử dụng gạch, đất sét nung và quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét không nung sử dụng công nghệ lạc hậu,...
Từ đó dẫn đến việc cạnh tranh của các nhà máy gạch nung truyền thống với vật liệu xây không nung, đặc biệt là các loại gạch sản xuất thủ công giá thành thấp, các công trình dùng vốn ngân sách không sử dụng gạch không nung vẫn được thanh toán, gây khó khăn lớn cho việc sản xuất và tiêu thụ gạch xây không nung”, ông Đính cho biết.
Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhìn nhận, các chính sách nhằm phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh đã được ban hành tương đối, nhưng việc triển khai thực hiện trong thực tế còn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo ông Sâm, thách thức lớn nhất và bao trùm lên tất cả là việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng phát thải thấp còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng xanh.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở, nhưng vẫn chưa toàn diện, việc thực hiện các cơ chế chính sách đã được ban hành vẫn còn những bất cập. Nhận thức của các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế, của người sử dụng về vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng chưa đầy đủ, nên thói quen sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống khó thay đổi, ông Sâm cho biết.
Ngoài ra, vị này còn cho rằng vật liệu xây dựng xanh thường là sản phẩm mới, cao cấp, nên giá còn cao hơn so với vật liệu xây dựng thông thường, có thể làm tăng giá thành công trình, trong khí năng lực tài chính cho đầu tư nhà ở có hạn, người sử dụng chưa tính đến hiệu quả tổng thể của công trình. Bên cạnh đó có nơi, có lúc còn đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng chưa cao, do đó gây tâm lý e ngại cho người sử dụng.
Trước thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển vật liệu xây dựng xanh:
Một là, cơ quan quản lý cần tiếp tục ban hành đầy đủ và rà soát sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, đặc biệt trong xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời phải có các chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành.
Hai là, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh và lợi ích mà chúng mang đến cho chủ đầu tư và người sử dụng.
Ba là, với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cần tiếp tục tìm mọi giải pháp để ổn định và nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
Nguồn: ximang.vn