Thời gian qua, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình đã xây nhiều bể chứa thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng, mang lại hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và được đông đảo bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng.
Thuốc BVTV được sử dụng phổ biến trong trồng trọt, nhất là trong trồng lúa để phòng trừ sâu bệnh gây hại. Đa số thuốc BVTV có dạng gói, chai, lọ nhựa khó phân hủy và sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng nhỏ trong bao bì. Nếu không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái, sức khỏe con người. Do đó, việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng (rác thải thuốc BVTV) đúng cách là vấn đề cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Một trong những bể chứa thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng trên địa bàn xã Tân Lộc, huyện Thới Bình
Toàn xã Tân Lộc, huyện Thới Bình có 330 ha đất trồng lúa 2 vụ. Hằng năm, xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong sử dụng thuốc BVTV. Trong đó, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng hợp lý, an toàn thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, nhất là cây lúa, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách) và kỹ thuật canh tác “3 giảm” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu). Việc sử dụng hợp lý thuốc BVTV giúp tiết kiệm được chi phí, giữ cân bằng sinh học trên đồng ruộng, góp phần giảm lượng rác thải thuốc BVTV.
Công đoạn thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV là vấn đề then chốt trong sản xuất nông nghiệp, được chính quyền xã quan tâm. Năm 2014, xã Tân Lộc được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau hỗ trợ xây 05 bể chứa thu gom, tập kết rác thải thuốc BVTV cho các ấp có sản xuất lúa 2 vụ. Đến nay, trong toàn xã đã có 15 bể chứa, được đặt tại các ngả đường chính dẫn ra khu vực sản xuất của nông dân và những nơi thuận tiện đi lại của người dân.
Các bể thu gom được thiết kế hình trụ, đường kính khoảng 60cm và cao 70cm, được đúc bằng bê tông dày, có đế và nắp đậy chắn chắc, nhằm ngăn tình trạng chất thải ngấm vào đất, phát tán ra môi trường bên ngoài. Phía trên thân có cửa để bỏ rác thải thuốc BVTV vào bể. Khoảng cách giữa các bể với nhau khoảng 1km tùy từng tuyến đường.
Bên cạnh việc xây dựng các bể chứa, chính quyền xã đã tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức và chấp hành tốt việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân thu gom, tập kết về đúng nơi quy định. Đến nay, lượng rác thải BVTV ở các cánh đồng của xã đã giảm đáng kể, ý thức của người dân cũng được nâng lên.
Anh Lý Văn Tre, ở ấp 1, xã Tân Lộc cho biết: “Trước đây, khi chưa có bể thu gom, nông dân chúng tôi thường có thói quen vứt bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng ra mương nước hay trên các bờ ruộng. Từ lúc xây dựng các bể chứa và được đặt ở các vị trí thuận tiện, bà con chúng tôi có chỗ thu gom, tập kết, không vứt bừa bãi ra môi trường”.
Thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV giúp làm sạch ruộng đồng đã trở thành việc làm thường xuyên của bà con nông dân xã Tân Lộc
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Trần Đại Lạc cho biết: “Việc xây bể chứa thu gom rác thải thuốc BVTV đã mang lại hiệu quả tích cực. Sau khi các bể chứa đưa vào sử dụng, người dân cơ bản đã thực hiện thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải thuốc BVTV cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó ý thức của người trực tiếp sản xuất, sử dụng là quan trọng nhất. Do đó, ngoài việc hướng dẫn thu gom bao bì, vỏ chai lọ đúng quy định, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để bà con nông dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chung sức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng.
Nguồn: www.camau.gov.vn