Ô nhiễm chất thải nhựa tiện một phút trả giá nghìn năm!

Thứ 3, 19/04/2022, 02:10 GMT+7

Việc lạm dụng quá mức sản phẩm nhựa và thu gom, tái sử dụng, tái chế không tương thích sẽ xuất hiện một loạt nhựa tràn lan trong môi trường gây nên "ô nhiễm trắng" và phải trả giá nghìn năm. Qua từng năm, những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một nhiều hơn, từ những cơn siêu bão, các sông băng dần tan chảy ở hai đầu cực, các đợt nắng nóng kỷ lục và sự xói mòn các vùng đất ven biển và nhiều thảm họa thiên nhiên khác. Chúng ta thường đổ lỗi chung chung cho biến đổi khí hậu đã gây nên điều này thiếu đi cái nhìn rộng hơn về sự tác động của ô nhiễm môi trường xung quanh, một trong số đó có ô nhiễm rác thải nhựa.

Tiện một phút trả giá nghìn năm

Không hề nói quá khi cho rằng, rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên điều này là ít được nhắc đến hoặc bị xem nhẹ.

GS.TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cảnh báo: “Một trong những vấn nạn nhức nhối về môi trường, mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ được thải ra đại dương mỗi năm, trong đó có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa”.

Mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu - và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần.  Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hàng năm.

rác thải nhựa

Sau khi đem lại tiện ích trong ít phút, những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút... sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy.

thời gian phân hủy rác thải nhựa

Nguồn: khoahoc.vn

Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Túi nilon hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm!

rác thải nhựa

Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa (Ảnh PV)

Chất thải nhựa hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn (CTR). Việc quản lý chất thải nhựa không tách khỏi việc quản lý CTR và có thể thấy là chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị là 85,5% (khoảng 32.000 tấn/ngày) do các công ty môi trường đô thị thực hiện, ngoài ra còn có hệ thống thu gom không chính thức (hệ thống đồng nát); còn tỷ lệ thu gom CTRSH ở nông thôn từ 45% đến 55% (khoảng 14.200 tấn/ngày) lượng rác còn lại được vứt trên đường, dòng sông, cánh đồng hoặc các bãi tập kết rác tự phát.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức về toàn bộ chất thải nhựa cũng như CTR ở nước ta. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Xây dựng tại các bãi chôn lấp chất thải ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, TP.HCM, và Bắc Ninh) cho thấy: tỷ lệ rác thải nhựa giao động từ 12% đến 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ (giao động từ 55% đến 68%) còn lại là các loại rác khác như giấy đứng thứ 3 giao động từ 4% đến 8%.

Hoạt động xử lý CTRSH ở nước ta hiện nay là đem đi chôn lấp, việc tái chế, tái sử dụng chiếm tỉ lệ rất nhỏ và phụ thuộc phần lớn vào việc nhặt phế liệu có thể tái chế của hệ thống thu gom phế liệu không chính thức. Qua rất nhiều lần thu gom phân loại bởi hệ thống thu gom phi chính thức (mà ta thường gọi là đồng nát) và được thu gom phân loại bởi các công ty môi trường đô thị thì rác thải nhựa còn lại đem chôn lấp vẫn còn rất lớn, đứng thứ 2 sau chất thải hữu cơ, chủ yếu là rác thải nhựa không thể tái chế như túi, bao bì nilon, chai nhựa bẩn…

Cần nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của chất thải nhựa

Theo chuyên gia, hầu hết mọi người không nhận ra rằng nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Trên thực tế, ngành công nghiệp nhựa chiếm khoảng 6% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu và dự kiến ​​sẽ đạt 20% vào năm 2050. Do đó, do các quá trình sử dụng năng lượng để chiết xuất và chưng cất dầu, sau đó là việc sản xuất nhựa tạo ra một lượng lớn phát thải khí nhà kính (GHG).

Trên thực tế, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn cầu và phần còn lại được thải ra môi trường tự nhiên. Khu vực Nam Á là nơi tạo ra rác thải nhựa lớn nhất thế giới với khoảng 26 triệu tấn mỗi ngày. Đây cũng là khu vực có tỷ lệ chất thải được đổ công khai không qua xử lý cao nhất với 75%.

sinh vật chết vì ăn phải nhưa

Ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật trong tự nhiên (Ảnh Getty Images)

Chất thải nhựa khi không được tái chế hoặc xử lý một cách có kiểm soát, sẽ tạo ra phát thải khí nhà kính khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời cả trong không khí và nước. Khoảng 18 triệu tấn nhựa có nguồn gốc từ Nam Á không được kiểm soát tốt và do đó, bị trôi vào đại dương, nơi chúng thải ra  khí mê-tan và ethylene khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Polyethylene là chất phát thải cao nhất trong cả hai loại khí và là polymer tổng hợp được sản xuất và vứt bỏ nhiều nhất trên toàn cầu.

Mặc dù tái chế có thể làm giảm đáng kể tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường cũng như ảnh hưởng của nó đến biến đổi khí hậu, nhưng chỉ 5% tổng lượng rác thải nhựa tạo ra ở Nam Á được tái chế. Các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn được áp dụng cho xi măng, nhôm, thép và nhựa có thể làm giảm 40% lượng phát thải tổng hợp của các ngành này.

Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã và đang góp phần vào biến đổi khí hậu thông qua phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp bằng cách ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật đại dương. Sinh vật phù du hấp thụ 30-50% lượng khí thải carbon dioxide từ các hoạt động của con người, nhưng sau khi nó ăn vào các vi nhựa, khả năng loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển của sinh vật phù du sẽ giảm xuống.

rùa chết vì ô nhiễm nhựa

Ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật trong tự nhiên (Ảnh Getty Images)

Hiện nay nhiều quốc gia đang áp dụng việc đốt chất thải lộ thiên, tuy nhiên, việc đốt chất thải trong các đám cháy lộ thiên dẫn đến việc sản sinh ra chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, carbon đen và là nguyên nhân của một nửa lượng khói bụi có thể nhìn thấy được ở các thành phố lớn như New Delhi (Ấn Độ). Khả năng tạo nên sự nóng lên toàn cầu của carbon đen lớn hơn tới 5.000 lần so với carbon dioxide (CO2).

Có thể thấy rõ tác động của nó đối với môi trường cũng như sự biến đổi khí hậu, chúng tác động trực tiếp đến sinh kế và hệ sinh thái, là một thách thức phát triển cấp bách.

Gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế để sử dụng một lần

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đánh giá, lượng chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất với dự báo tăng 10-16% mỗi năm. Nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỷ lệ thấp lại đang có chiều hướng tăng qua các năm. Trong đó, đáng chú ý là thành phần chất thải nhựa cũng gia tăng. 

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy sử dụng và thải bỏ ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi-tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, phần còn lại không được thu gom triệt để theo dòng chảy gây ô nhiễm sông ngòi, biển và đại dương. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải ra môi trường ngày càng gia tăng đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương nếu không được thu gom, xử lý triệt để. 

chất thải nhựa

Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, đa phần không được thu gom triệt để theo dòng chảy gây ô nhiễm sông ngòi, biển và đại dương (Ảnh Shutterstock)

Theo Tổng cục Môi trường, số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng nhiều dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Việc phân loại, thu gom chất thải nhựa và túi ni lông có thể tái chế thường mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Túi ni lông sử dụng tại các chợ và trung tâm thương mại thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng, loại túi này rất phổ biến ở các bãi chôn lấp vì giá trị thu hồi để tái chế thấp.

Việc xử lý chất thải nhựa và túi ni lông phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Hiện nay, một số cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã lắp đặt dây chuyền phân loại tại khu xử lý để thu hồi các chất có thể tái chế, trong đó có chất thải nhựa và túi ni lông.

Chất thải nhựa và túi ni lông có thể do con người xả thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống cống, sông, ao, hồ, biển… sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người; làm giảm diện tích ao, hồ, sông; gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ô xy  đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng khiến cây trồng chậm tăng trưởng. 

(Còn tiếp)

Trích Nguồn: VOV.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc