Biến chất thải nguy hại của ngành Xi măng thành nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp khác đang là hướng đi mạnh mẽ của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Điều này giúp hạn chế phát thải khói, bụi hay đẩy mạnh nghiên cứu phối liệu, sử dụng chất thải, rác thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm nguyên, nhiên liệu thay thế cho các chất đốt truyền thống… Qua đó, thể hiện quyết tâm, chung tay của các nhà máy xi măng trong triển khai định hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh của tỉnh.
Dây chuyền xử lý rác thải thay thế cho đất sét và than cám trong sản xuất clinker tại Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long.
Một trong những đơn vị có bước chuyển đổi mạnh mẽ của ngành Xi măng là Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long. Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ngay từ năm 2015, Vicem Hạ Long đã tập trung nghiên cứu sử dụng tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép làm phụ gia sản xuất xi măng. Trước hiệu quả của việc sử dụng các nguyên liệu thay thế, từ cuối năm 2020, Vicem Hạ Long đã đưa vào sản xuất thử nghiệm bùn thải từ các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thay thế một phần đất sét.
Ông Vũ Văn Tặng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long chia sẻ, năm 2022, đơn vị đã đưa vào sử dụng 20.000 tấn bùn thải, khoảng 8.000 tấn rác thải các loại của các Khu Công nghiệp để thay thế cho đất sét và 5 - 10% lượng than cám (tương đương khoảng 6.000 tấn than cám). Đây là những nguồn tài nguyên có hạn và chiếm phần lớn chi phí đầu vào trong sản xuất clinker. Việc tiết giảm tối đa được chi phí sản xuất trong khi giá thành sản phẩm và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trở thành một trong những giải pháp cốt lõi để giúp Công ty vượt qua những khó khăn trong thời gian 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, đảm bảo công việc và thu nhập ổn định cho người lao động.
Từ hiệu quả nhờ tận dụng tối đa các nguyên liệu thay thế, Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long đặt mục tiêu trong năm 2023 nâng tỷ lệ đốt rác thải tạo nhiệt trong sản xuất lên khoảng 10 - 20%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Xi măng Hạ Long dự kiến đầu tư thêm khoảng 20 - 30 tỷ đồng đầu tư dây chuyền, hạ tầng thu gom, xử lý rác thải theo những công nghệ mới nhất.
Khuôn viên nhà máy Xi măng Thăng Long được trồng rất nhiều cây xanh, góp phần xanh hóa môi trường sản xuất.
Tại Công ty Xi măng Thăng Long, để giảm lượng khí CO2 từ quá trình sản xuất tại các công đoạn: Đập đá, nghiền liệu, nung clinker, nghiền than, nghiền xi, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm..., đơn vị đã lắp đặt trên 60 lọc bụi túi và 2 lọc bụi tĩnh điện để xử lý khí thải toàn nhà máy. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là giải pháp cốt lõi để có thể giảm được chi phí đầu vào, giảm tối đa lượng phát thải và đảm bảo phát triển sản xuất. Bởi theo thống kê, trung bình một năm, Công ty phải sử dụng khoảng 30.0000 tấn than. Riêng năm 2022, chi phí cho nhiên liệu này lên tới 21.000 tỷ đồng (tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2021 do giá than tăng cao đột biến và chiếm tới 37% giá thành đầu vào). Để giải bài toán kinh tế, cuối năm 2022, Công ty Xi măng Thăng Long đã cử cán bộ kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm tại các nhà máy xi măng về việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế. Dự kiến trong quý I/2023, Công ty tiến hành thử nghiệm việc sử dụng bùn thải, rác thải vào trong sản xuất để trước mắt có thể thay thế khoảng 15 - 20% lượng than.
Theo các chuyên gia, việc tận dụng các nguồn chất thải trong sản xuất xi măng, clinker là giải pháp có nhiều lợi thế, giúp xử lý triệt để chất thải nguy hại. Đặc biệt, khi tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao (trên 1.000°C) trong dây chuyền sản xuất, tất cả các loại khí độc đều bị phân hủy. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho chính bản thân doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Đặc biệt, việc xanh hóa ngành Xi măng là một phần hiện thực hóa của doanh nghiệp và của tỉnh trong cắt giảm khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của tỉnh trong chung tay giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030.
Dây chuyền phân loại và đốt rác thải tạo nhiệt cho hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình kinh tế Thế giới đã khiến cho các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất xi măng và clinker tăng cao. Đứng trước thực trạng này, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cũng triển khai sáng kiến “Đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu thay thế trong lò nung clinker tại nhà máy Xi măng Lam Thạch”. Theo tính toán của đơn vị, việc sử dụng than cám khi sản xuất clinker có mức tiêu hao 160kg than cám/tấn clinker. Lượng nhiên liệu này không chỉ tốn chi phí lớn, mà nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, do đó Công ty đã nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế 10 - 15% lượng than bằng các sản phẩm thải của công nghiệp, như da giày, vải, giấy, gỗ, nylon...
Ngay khi đưa vào ứng dụng thực tế từ năm 2021 đến nay, sáng kiến này đã làm lợi khoảng 13 tỷ đồng/năm cho Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh và dự kiến, sau khi hết thời gian khấu hao (5 năm), lợi ích kinh tế sẽ được nâng cao hơn. Để tạo nguồn nhiên liệu đầu vào, Công ty còn triển khai mô hình “Ngân hàng rác - gửi rác, rút tiền”. Thông qua đó, đã giúp khuyến khích người dân trên địa bàn thu gom, phân loại rác thải, mang đến bán lại cho Công ty, giúp đơn vị có thêm nguồn cung rác thải, cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Nguồn: ximang.vn