Nhận thức việc bảo vệ môi trường và vấn đề quan trọng, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm quản lý chất thải hiệu quả, qua đó, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện nay, tình hình triển khai thiết lập hệ thống thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh rất hiệu quả, ở khu vực đô thị đạt 90%, ở khu vực nông thôn đạt trên 60%. Tất cả các thành phố, huyện, thị xã, 10 đơn vị hành chính trên địa bàn đều có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, đầu tư các lò đốt rác thải sinh hoạt
Hình ảnh minh hoạ
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, trên cơ sở chủ trương, định hướng của quốc gia, tỉnh đã chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 về các việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như kế hoạch phân rác tại nguồn, cải tiến nâng cao chất lượng hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như chất thải nhựa.
Trên địa bàn tỉnh cũng triển khai một số mô hình về thu gom xử lý, tái chế và hạn chế rác thải nhựa hiệu quả như: Mô hình chống rác thải nhựa trên đảo Cồn Cỏ, Mô hình hạn chế sử dụng túi ni-lông; Mô hình thu gom ve chai; Mô hình hạn chế sử dụng đồ nhựa, bao bì, ni-lông và nhiều mô hình tiêu biểu hiệu quả khác của các tổ chức đoàn thể phát động… đã giảm thiểu phần nào rác thải nhựa trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Dựa vào các mô hình này, hằng năm, tỉnh tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, chia sẻ, động viên, khuyến khích để các tổ chức hội, đoàn thể tích cực hưởng ứng thành công.
Bên cạnh đó, về cơ chế, địa phương cũng luôn tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ, khuyến khích các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực tái chế đầu vào, thực hiện thí điểm Đề án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong các tiêu chí xã đề xuất đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao phải có tiêu chí về môi trường rất cụ thể, nên người dân cũng dần dần nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong thu gom rác thải trong nhà, trong vườn, trong các sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, hiện tỉnh Quảng Trị đang đầu tư một khu xử lý chất thải trên địa bàn với công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tái chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành nguồn hữu cơ để làm nguyên liệu sản xuất phân bón; đốt, tiêu huỷ để thu hồi năng lượng để phát triển. Dự án sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2025 để đảm bảo thu gom tái chế trên 90% rác thải nhựa tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Từ năm 2025 đến năm 2030, tỉnh đưa lộ trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương pháp chôn lấp đạt dưới 30%, và tập trung xử lý rác tại các khu xử lý với quy mô và công nghệ phù hợp tình hình của địa hương, trong đó, ưu tiên áp dụng công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng.
Đối với chất thải nhựa, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị và tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về phong trào chống rác thải và rác thải nhựa, hạn chế việc sử dụng và thải ra môi trường; khuyến khích sử dụng các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường