Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Những nội dung mới theo Luật Bảo vệ môi trường 2020

Thứ 5, 23/02/2023, 09:44 GMT+7

Luật Quy hoạch 2017 và Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định phương án  bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Kế hoạch đầu tư chủ trì lựa chọn đơn vị tư vấn và khâu nối trong việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát và chịu trách nhiệm về phương án  bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Luật bảo vệ môi trường 2020

Một góc thành Phố Vinh (Nghệ An)

Ngày 14/11/2022, Hội đồng thẩm định Quy hoạch theo Quyết định số 708/QĐ-BKHĐT ngày 11/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và thông qua báo cáo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một số nội dung về phương án  bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại Dự thảo Quy hoạch như sau:

1.  Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%.

- Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: tại đô thị loại IV trở lên: đến năm 2025 đạt 93-95%; đến năm 2030 đạt 100%; tại đô thị loại V: đến năm 2025 đạt 90-91%; đến năm 2030 đạt 100%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 95%.

- Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị đạt 99%, tại khu vực nông thôn đạt trên 80%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 95%.

- Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn quy định là 100% đối với các đô thị loại I; 70% đối với các đô thị từ loại IV trở lên và 50% với các đô thị loại V.

- 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

- Tỷ lệ chất thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 99%;

- Tỷ lệ chất thải sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 55%.

2. Phương án phân vùng bảo vệ môi trường

- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt gồm: (1) Nội thành đô thị loại I (Tp. Vinhmở rộng); đô thị loại III (Hoàng Mai, Thái Hòa; Diễn Châu, Đô Lương); (2) Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo Luật Tài nguyên nước của các nguồn nước mặt; (3) Các Khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Vườn quốc gia Pù Mát; (4) Khu vực bảo vệ 1 của các di tích lịch sử, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

- Vùng hạn chế phát thải, gồm: (1) Vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên; (2) Vùng đất mặt nước quan trọng; (3) Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; (4) Nội thị đô thị loại IV; V; (5) Khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ.

- Vùng khác: Các vùng còn lại trên địa bàn tỉnh.

3. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải

- Đẩy mạnh xây dựng và triển khai đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn; vận chuyển mô hình thu gom chất thải rắn tập trung cấp thành phố, thị xã (đối với các đô thị lớn), thu gom liên xã, thị trấn đối với các đô thị nhỏ, vùng nông thôn. Dần thay thế công nghệ chôn lấp bằng đốt và đốt thu hồi năng lượng.

- Đối với  chất thải rắn sinh hoạt quy hoạch 15 nhà máy (khu) xử lý chất thải rắn tập trung tại 04 vùng liên huyện và 10 vùng huyện, cụ thể như sau:

+ Vùng liên huyện I  (thành phố Vinh mở rộng và các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu) lựa chọn Khu liên hợp xử lý CTR Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.

+ Vùng liên huyện II (huyện Thanh Chương, Anh Sơn) lựa chọn Khu liên hợp xử lý CTR Hoa Sơn, huyện Anh Sơn.

+Vùng liên huyện III (thị xã Thái Hòa, huyện Quỳ Hợp) lựa chọn Khu xử lý CTR Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp( khu vực này sử dụng đến nhà máy xử lý CTR Long Sơn đi vào hoạt động) và Nhà máy xử lý CTR Long Sơn, thị xã Thái Hoà.

+Vùng liên huyện IV (huyện Đô Lương, Yên Thành) lựa chọn Khu Liên hợp xử lý CTR Hồng Sơn, huyện Đô Lương.

+ Các vùng huyện gồm: Nhà máy xử lý CTR huyện, huyện Nghĩa Đàn(xã Nghĩa Bình);Nhà máy xử lý CTR huyện Nam Đàn (xã Khánh Sơn);Khu liên hợp xử lý CTR huyện Tân Kỳ (Xã Tân Long); Khu liên hợp xử lý CTR thị xã Hoàng Mai (Xã Quỳnh Vinh); Khu xử lý CTR huyện Quỳnh Lưu (Xã Ngọc Sơn); Khu xử lý CTR tập trung huyện Quế Phong (thị trấn Kim Sơn); Khu xử lý CTR tập trung huyện Quỳ Châu (Xã Châu Hội); Khu xử lý CTR tập trung huyện Kỳ Sơn (Xã Nậm Cắn); Khu xử lý CTR tập trung huyện Tương Dương (Xã Tam Thái); Khu xử lý CTR tập trung huyện Con Cuông (Xã Yên Khê).

- Chất thải rắn công nghiệp thông thường lựa chọn 03 khu vực gồm: Khu liên hợp xử lý CTR Tân Long, huyện Tân Kỳ; Khu liên hợp xử lý CTR Nghi Yên, huyện Nghi Lộc; Nhà máy xử lý CTR Long Sơn, thị xã Thái Hoà.

- Chất thải nguy hại lựa chọn 04 khu vực gồm: Nhà máy xử lý CTNH Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên; Khu liên hợp xử lý CTR Tân Long, huyện Tân Kỳ; Khu liên hợp xử lý CTR Nghi Yên, huyện Nghi Lộc; Nhà máy xử lý CTR Long Sơn thị xã Thái Hoà.

- Chất thải rắn xây dựng: Thực hiện quy hoạch mỗi huyện tối thiểu 01 khu vực tập kết chất thải rắn xây dựng

4. Quan trắc môi trường đất, nước, không khí

Vị trí các điểm quan trắc: đối với môi trường nước mặt: 58 điểm; đối với môi trường nước biển ven bờ: 13 điểm; đối với nước biển xa bờ: 02 điểm; đối với môi trường nước dưới đất: 10 điểm; đối với môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn: 24 điểm; Đối với môi trường trầm tích: 08 điểm; Đối với môi trường đất: 05 điểm.

Tần suất quan trắc: (i) Đối với môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn, môi trường nước mặt, nước biển ven bờ, nước biển xa bờ: 06 lần/năm vào các tháng 1, 3, 5, 7, 9 và 11; (ii) Đối với môi trường nước dưới đất: 04 lần/năm vào các tháng 1, 3, 7, 9; (iii) Đối với môi trường đất, trầm tích: 02 lần/năm vào tháng 3,9. Riêng các điểm quan trắc tại các bãi biển: Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), Diễn Thành (huyện Diễn Châu), Cửa Lò và Cửa Hội (thị xã Cửa Lò): quan trắc bổ sung với tần suất 1 tháng/đợt vào các tháng: 4, 6 và 8. 

5. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

- Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững và bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù của địa phương gồm rừng đặc dụng Săng lẻ, rừng đặc dụng ở Yên Thành và Nam Đàn; rừng đặc dụng gắn với lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; vùng bảo vệ Puxilaileng. Thiết lập phân vùng bảo vệ các loài thủy sinh khu vực đảo Mắt – đảo Ngư.

- Quản lý có hiệu quả lưu vực sông Giăng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát nhằm bảo vệ các loài cá nước ngọt quý, hiếm và có giá trị; Quy hoạch quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái rừng ngập mặn.

- Thành lập và quản lý bền vững hành lang đa dạng sinh học kết nối các vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An (kết nối giữa Vườn Quốc gia Pù Mát – Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống – Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt). Phối hợp với các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa để hình thành hành lang kết nối giữa Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) và Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh); Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt - Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa).

-Xây dựng và nâng cấp 03 vườn thực vật gồm: vườn thực vật ngoại vi Vườn quốc gia Pù Mát; vườn thực vật Pù Hoạt; vườn thực vật Pù Huống. Nâng cấp cơ sở cứu hộ động vật của Vườn quốc gia Pù Mát thành một trong 09 Trung tâm cứu hộ động vật trọng điểm quốc gia. Nâng cấp bảo tàng thiên nhiên văn hóa mở cấp tỉnh thuộc Vườn quốc gia Pù Mát.

Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Nghệ An cần tập trung nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn liền với phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đảm bảo kinh tế tỉnh nhà phát triển một cách bền vững.

 

Nguồn: Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Tỉnh Nghệ An

Xem thêm:  

1. LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐ 72/2020/QH14

2. Phát động Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn tại Nghệ An

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc