Rừng ngập mặn hấp thụ các-bon nhiều gấp 4 lần rừng trên đất liền!

Thứ 3, 15/03/2022, 01:34 GMT+7

Theo các nghiên cứu, trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí cacbonic tốt nhất, với lượng hấp thụ các bon nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền. Thông tin do Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển – giải pháp giảm phát thải và phát triển kinh tế”.

Nước ta có trên 3.260 km bờ biển, trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo số liệu số liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đến năm 2019, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ven biển là 709.013 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 454.337ha.

Mặc dù diện tích rừng ven biển chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng quốc gia (rừng ngập mặn chiếm khoảng 1%); nhưng rừng ven biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sóng, gió, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển, bảo vệ sinh kế của người dân.

Theo Tổng cục lâm nghiệp chia sẻ về kết quả thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015 – 2020, cả nước đã thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển từ nhiều chương trình, nguồn vốn khác nhau. Qua đó, bảo vệ được 295.164 ha rừng ven biển. Tổng diện tích trồng rừng 22.390 ha, trong đó có gần 72% là rừng trồng mới.

Thời gian qua, một số dự án có hợp phần phát triển sinh kế liên quan đến rừng ven biển bước đầu thực hiện có hiệu quả ở các địa phương. Đối với rừng ngập mặn, đã có một số mô hình phát triển sinh kế dựa trên các hình thức đồng quản lý rừng được thực hiện tại Đồng Rui (tỉnh Quảng Ninh); Xuân Thủy (tỉnh Nam Định); Âu Thọ B (tỉnh Sóc Trăng); Đất Mũi, Tam Giang (Cà Mau); các mô hình nông lâm ngư kết hợp như: nuôi ong, nuôi gà, vịt biển, tôm, cua, cá trong rừng ngập mặn do Dự án GCF thực hiện tại các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn của dự án MAM tại tỉnh Cà Mau…

rừng ngập mặn

Trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển

Đối với rừng trên vùng đất, cát ven biển: đã xuất hiện một số hoạt động sinh kế có triển vọng như du lịch sinh thái, nuôi gia cầm, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng gắn với trồng cây hoa màu và nuôi trồng thủy sản (tại tỉnh Quảng Bình); kết hợp du lịch sinh thái với bảo tồn, phát triển rừng Dừa nước tại TP Hội An (Quảng Nam); trồng cây lâm nghiệp xen cây dược liệu và cây ăn quả (tại Đà Nẵng); giao khoán bảo vệ rừng gắn với phát triển chăn nuôi, cải tạo, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng cây điều, mô hình làm dịch vụ du lịch (tại tỉnh Ninh Thuận)…

Tháng 10/2021, Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030". Trong số những mục tiêu của Đề án, có: Chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Giải pháp chính trong Đề án, là xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển. Một số loài cây như mắm, đước, vẹt, bần, dà... đã được ngành lâm nghiệp đưa vào trồng tại nhiều địa phương.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc