Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần!

Thứ 4, 15/02/2023, 06:42 GMT+7

Với mục tiêu giảm dần những sản phẩm nguy hại tới môi trường như rác thải nhựa, các văn bản pháp luật quy định sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Giảm dần sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Sản phẩm nhựa

Hình ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Để giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, các văn bản pháp luật quy định, sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Sau năm 2025, các địa phương không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.

Mới đây Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa; Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu/nộp thuế bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại để bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường.

TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường theo quy định.

Luật Bảo vệ môi trường đã thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

Với chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Còn chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển. Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Dùng sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thay thế nhựa sử dụng một lần

Trên thực tế, nhiều năm qua, việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian gần đây, một loại nguyên liệu tiềm năng được nhắc đến khá nhiều đó là: nhựa phân hủy sinh học.

Nhựa phân hủy sinh học có 2 loại gồm nhựa phân hủy sinh học được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc tái tạo và loại thứ hai được làm từ nguyên liệu không tái tạo như dầu mỏ. Nhựa phân hủy sinh học được ứng dụng để làm ra nhiều sản phẩm như túi, dao, thìa, dĩa ống hút, màng bọc thực phẩm, hộp đựng thực phẩm, lưới đánh cá, màng nông nghiệp và thậm chí các sản phẩm trong y tế như chỉ khâu, gạc, vỏ thuốc…

Với tính ưu việt của nhựa phân hủy sinh học được biết đến khi có thể phân hủy hoàn toàn trong thời gian rất ngắn từ 6-12 tháng thành nước, CO2 và sinh khối, không để lại chất độc hại nào cho môi trường và đặc biệt an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Có nhiều ưu điểm nổi bật, nhựa phân hủy sinh học đang ngày càng được ưa chuộng trên khắp thế giới. Hiện nay, tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học trên thế giới đã đạt mức trên 2,5 triệu tấn/năm, trong đó 75% được sử dụng cho sản xuất bao bì phân hủy sinh học.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Lê Trung, Phó chủ tịch An Phát Holdings, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh, việc Việt Nam lên kế hoạch sau năm 2030 dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ mở rộng cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất nhựa thân thiện môi trường. Ước tính có khoảng 500.000 tấn sản phẩm nhựa dùng một lần đang tiêu thụ trên thị trường bị cấm sử dụng cần phải tìm sản phẩm khác thay thế, khi đó chỉ có túi phân huỷ sinh học hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu, thân thiện môi trường. Sản phẩm này đã được minh chứng tại thị trường châu Âu.

Một thống kê chỉ ra, trong cơ cấu ngành nhựa, nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất 36% với khoảng 2,1 triệu tấn (vào năm 2017). Để thay thế sản phẩm này, tiềm năng của nhựa sinh học tương đối lớn. Ước tính với tỷ lệ thay thế của thế giới vào khoảng 1% thì tổng nhu cầu nhựa sinh học của Việt Nam sẽ khoảng 60.000 tấn mỗi năm. Sản lượng này tương đối lớn với tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhựa của Việt Nam hàng năm là 10,8% thì tiềm năng phát triển của nhựa sinh học rất rộng mở

 

Nguồn: Tạp chí điện tử của Hội Nước Sạch Và Môi Trường Việt Nam 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc