Theo dự kiến, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành Thông tư ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện, Bộ đang tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Theo cử tri tỉnh Cà Mau, Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền vẫn chậm và chưa ban hành hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt… Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện.
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại Khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trong đó quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Hình ảnh minh họa
Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quyết định số 948/QĐ/BTNMT năm 2023 thành lập Tổ soạn thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tuy nhiên, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong đó có thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại nguồn, chất thải rắn sinh hoạt đặc thù (trên sông, kênh, rạch, mặt biển, bãi biển; chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh;…); xử lý bằng công nghệ đốt, đốt có thu hồi năng lượng là các định mức mới nên cần phải đánh giá cẩn trọng, khách quan để đảm bảo tính đại diện cao và phù hợp với điều kiện thực tế.
Chính vì vậy, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo nội dung quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia và các đơn vị có liên quan. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố để hoàn thiện, xem xét và ban hành văn bản. Dự kiến, Thông tư trên sẽ được ban hành vào năm 2024.
Cũng theo Bộ TN&MT, để triển khai hiệu quả quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lấy ý kiến các địa phương và dự kiến ban hành năm 2023 trước thời điểm các địa phương bắt buộc phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (31 tháng 12 năm 2024).
Khi hướng dẫn này được triển khai, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Từ việc phân loại này, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Tạo tiền đề cho việc áp dụng quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường