VTV.vn - Việt Nam xả rác nhựa nhiều thứ 4 thế giới, nhưng chi hàng tỷ USD/năm để nhập khẩu phế liệu. Đẩy mạnh thu gom, tái chế có giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu?
Việt Nam được xem là quốc gia xả rác thải nhựa nhiều thứ 4 trên thế giới, nhưng lại nhập khẩu phế liệu nhựa đứng thứ 2 thế giới sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu phế liệu.
Không chỉ nhựa, tính trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn phế liệu các loại. Điều này đẩy các doanh nghiệp đứng trước nghịch lý thiếu nguyên liệu, phải nhập về sản xuất nhưng lại bỏ đi, lãng phí nguồn nguyên liệu có thể tái chế từ rác thải, chưa kể còn phải mất thêm nhiều tiền để xử lý.
Việt Nam được xem là quốc gia xả rác thải nhựa nhiều thứ 4 trên thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường mới đây đã đưa ra quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nó nghĩa là sau khi người tiêu dùng vứt bỏ, sản phẩm phải được tái chế theo một tỷ lệ nhất định bởi nhà sản xuất, nhập khẩu.
Dựa trên vòng đời, tuổi thọ và tỷ lệ thu gom, có 6 nhóm sản phẩm bao bì phải tái chế. Chẳng hạn, từ năm 2024, bao bì, pin và ắc quy, dầu nhớt có tỷ lệ tái chế từ 0,8 - 22%. Đến 2025, sản phẩm điện tử phải tái chế từ 0,5 - 15%. Đến 2027, bắt đầu tới các loại phương tiện giao thông, tỷ lệ là 0,1 - 0,5%.
Các doanh nghiệp có thể tự thu gom tái chế, thuê, hoặc ủy quyền cho đơn vị trung gian tái chế. Trường hợp nhà sản xuất không tự tổ chức tái chế, sẽ phải đóng góp một phần kinh phí vào Quỹ bảo vệ môi trường.
Việc tái chế không chỉ đem lại lợi ích bảo vệ môi trường, mà còn có lợi cho chính doanh nghiệp. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, hàng hóa trên thế giới tăng cao, tăng cường thu gom tái chế sẽ giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp tái chế.
Chai nhựa và bông tấm tưởng như không liên quan đến nhau, nhưng đánh chú ý, chai nước sau khi vứt đi lại trở thành nguyên liệu tái chế để sản xuất bông tấm.
Nhờ chuyển sang sử dụng xơ sợi từ vật liệu tái chế, nhà máy Bông TNG đã chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước khoảng 80%, thay vì phải nhập khẩu gần như toàn bộ như trước kia.
"Xơ sợi sử dụng bằng nhựa tái chế đem lại nhiều lợi ích và được khách hàng ủng hộ, bởi sản phẩm này thân thiện với môi trường, đặc biệt giá thành giảm rất nhiều. So với mặt hàng xơ nguyên sinh giảm tới 30%", ông Lã Anh Chiến, Giám đốc chi nhánh nhà máy Bông TNG, cho biết.
Ngoài phục vụ thị trường nội địa, các doanh nghiệp thực hiện tái chế nhựa Việt Nam còn có thể tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Như Công ty Cổ phần Nhựa Ngọc Nghĩa, chuyên thu gom, tái chế chai nhựa, đã có đối tác ở 24 quốc gia trên thế giới, họ cho biết nhu cầu về nhựa tái chế là rất lớn.
"Tương lai ngành nhựa rất tiềm năng. Tại châu Âu, nhu cầu nhựa tái chế dự kiến tăng khoảng 43% trong năm nay, ở Việt Nam cũng như vậy, đặc biệt khi những quy định của Chính phủ có hiệu lực", ông John Russell Gray, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nhựa Ngọc Nghĩa, chia sẻ.
Xơ sợi sử dụng bằng nhựa tái chế mang lại nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện doanh nghiệp nhựa vẫn phải nhập khẩu khoảng 80% nguyên liệu sản xuất. Sắt, thép cũng trong tình cảnh tương tự. Do đó, muốn giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, bản thân doanh nghiệp cần chủ động nâng cao tỷ lệ tái chế từ nguồn nguyên liệu trong nước.
Tuy nhiên thực tế, hoạt động tái chế vẫn diễn ra khá tự phát và manh mún, gặp nhiều khó khăn ngay từ khâu thu gom.
"Hiện nay hầu hết việc tái chế ở Việt Nam mới ở mức độ rất sơ khởi. Những cơ sở chế biến một cách quy mô công nghiệp gần như rất ít, đếm trên đầu ngón tay", ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ, cho hay.
Bởi vậy, để đảm bảo việc tái chế không gây ra ô nhiễm môi trường thứ cấp, cần thay thế các cơ sở nhỏ lẻ, manh mún bằng những công ty tái chế hiện đại. Công ty Duy Tân Recycling đã đầu tư 800 tỷ đồng vào các trang thiết bị tái chế công nghệ cao, nhưng mới chỉ hoạt động 60% công suất vì thiếu nguyên liệu đầu vào.
"Chúng tôi phải tiếp xúc với rất nhiều đơn vị như mua ve chai để đảm bảo đầu vào cho nhà máy. Hiện nay sản lượng chúng tôi thu gom vẫn chưa ổn định do các nguồn thu gom chưa có hệ thống đảm bảo", bà Dương Từ Uyên Thảo, Giám đốc Kinh doanh Công ty Duy Tân Recycling, cho biết.
"Với ngành tái chế, thu gom trong nước, khả năng an toàn về tài chính rất yếu vì nó phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Bởi vậy nếu có dòng tiền từ các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thì nó sẽ đảm bảo vấn đề an toàn cho các doanh nghiệp tái chế hơn", ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội nhựa Việt Nam, đánh giá.
Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện tái chế trên quy mô lớn hơn cần hỗ trợ tài chính cho các cơ sở tái chế hiện đại và người dân cũng cần thay đổi cách thức phân loại rác ngay từ nguồn.
Các đơn vị thực hiện tái chế cũng sẽ nhận được hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện, được thực hiện bởi hội đồng EPR quốc gia.
Hội đồng này hoạt động theo cơ chế 4 bên: gồm khối cơ quan quản lý, khối doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu, khối các đơn vị tái chế, xử lý chất thải và các tổ chức môi trường, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Cơ chế này sẽ giúp quản lý, sử dụng tiền đóng góp một cách công khai, minh bạch.
"Khác với các cơ chế khác, hội đồng EPR là một cơ chế mở, là diễn đàn để nhà sản xuất tham gia để tư vấn, giám sát và quản lý sử dụng kinh phí đó, vì tất cả kinh phí đều được phê duyệt bởi hội đồng EPR", ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.
Nguồn: VTV.vn