Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 3793/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung Công văn, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân.
Các đơn vị cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐCP ngày 07/7/2022 của Chính phủ, nhất là các hành vi vứt, thải, bỏ chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định…
Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Thuận Châu
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quyết định quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; hoàn thành trước ngày 30/11/2023. Nghiên cứu xây dựng quy định giá cụ thể với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi Bộ TN&MT ban hành quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có xem xét đến công tác phân loại tại nguồn, các công nghệ xử lý chất thải hiện có… Đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục pháp lý về môi trường như: Lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường; vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo Giấy phép môi trường; cải tạo, đóng cửa bãi chôn lấp chất thải đảm bảo theo quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ về quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn, tổ chức triển khai mô hình xử lý CTR phù hợp, hiệu quả, có thể nhân rộng nhất là với khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến về tái chế, tái sử dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các khu xử lý chất thải rắn; bãi chôn lấp chất thải trên địa bàn theo đúng nội dung, yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt; các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn theo hướng giao Phòng TN&MT làm đầu mối tham mưu để thống nhất đầu mối với cơ quan Trung ương và cấp tỉnh, tạo thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở TN&MT; hoàn thành trước ngày 30/10.
Đồng thời rà soát, bổ sung các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo tính khả thi trong quá trình xem xét, mở rộng phạm vi thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (ngoài khu vực đô thị); xác định vị trí, thời gian tập kết, quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế tối đa hoạt động vào giờ cao điểm.
Ủy ban Nhân dân các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Mộc Châu khẩn trương đề xuất đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Lưu ý khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ CTR được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Báo cáo kết quả với UBND tỉnh trước ngày 15/12.
Ủy ban Nhân dân các huyện Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp khẩn trương đề xuất hoặc cân đối kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đối với khu xử lý chất thải rắn đã xuống cấp, hỏng hóc; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành các thủ tục pháp lý về môi trường Khu xử lý chất thải rắn.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương